Biểu tượng tình hữu nghị Việt - Xô
(Vufo) Giữa Ba Đình lịch sử, Bảo tàng Hồ Chí Minh rực rỡ như một bông sen trắng. Công trình là kết quả công sức, trí tuệ, kinh phí của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta và sự viện trợ chí tình chí nghĩa của bạn bè quốc tế, trong đó chủ yếu của nhân dân Xô - viết.
1/ Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng của toàn dân, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định xây dựng Lăng và Bảo tàng về Người tại Quảng trường Ba Đình. Lăng Bác khánh thành năm 1975. Còn nhà Bảo tàng, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng phân công đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng nội dung trưng bày. Nhưng về kiến trúc bảo tàng và thiết kế mỹ thuật trưng bày, Việt Nam không có tiền và cũng chưa nhiều kinh nghiệm. Hai việc khó khăn này đã được Liên Xô (trước đây) vui lòng đảm nhận. Năm 1978, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A. Cô-xư-ghin có thư gửi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam Phạm Văn Đồng, thông báo Chính phủ Liên Xô nhận giúp đỡ Việt Nam xây dựng Bảo tàng bằng vốn viện trợ không hoàn lại. Năm 1982, việc thiết kế nhà bảo tàng đã được giao cho Viện Thiết kế Mêdenxép thuộc Ủy ban Xây dựng nhà nước Liên Xô đảm nhiệm. KTS Garon I-xa-cô-vích - người đã thiết kế Lăng Bác, được chỉ định làm chủ trì thiết kế công trình. 2/ Có một việc không nhiều người biết, qua đó càng thấy tấm lòng của các bạn Liên Xô với Bác Hồ. Đó là khi ký Hiệp định ngày 2-2-1979 về việc Liên Xô giúp xây dựng Bảo tàng chỉ gồm phần công trình, nhưng phía Việt Nam lại hiểu rằng sẽ gồm cả tòa nhà bảo tàng lẫn trang thiết bị cũng như nội thất trưng bày. Mãi sau này, trong quá trình làm việc, chúng ta mới phát hiện ra điều đó, trong bối cảnh điều kiện kinh phí và trình độ Việt Nam khi ấy còn rất hạn chế. Trước tình hình đó, ngày 17-11-1983, Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam có thư gửi Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đề nghị tiếp tục giúp đỡ cả về phần trang thiết bị và thi công nội thất bảo tàng. Rất nhanh chóng, không đầy một tháng sau, ngày 15-12-1983, phía Liên Xô có công hàm trả lời đồng ý với đề nghị của phía Việt Nam, đồng thời giao công việc này cho Liên hiệp trang trí Mỹ thuật Moscow và Bảo tàng Trung ương Lê-nin trực tiếp thực hiện. Có thể nói, công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh được những KTS, kỹ sư, họa sĩ, chuyên gia trưng bày… giỏi nhất, tài hoa nhất của Liên Xô khi đó trực tiếp sáng tạo và thi công. Vật tư, thiết bị cũng là những thứ đứng đầu khi đó: vật tư dùng trong nội thất trưng bày là của hàng không vũ trụ Liên Xô, toàn bộ trang thiết bị nghe nhìn, khi Việt Nam bày tỏ muốn dùng hàng Nhật Bản, bạn cũng vui lòng mua và thuê kỹ sư Tiệp Khắc (trước đây) lắp cho công trình. Theo thông lệ, khi nhận viện trợ cho một công trình (dù sau phải trả tiền hay không hoàn lại), phía nước nhận viện trợ phải có vốn đối ứng. Song do đòi hỏi cao của vật tư đặc chủng, nên Việt Nam chỉ góp có gỗ, cát sỏi và nhân công thi công, trong đó có sự đóng góp to lớn về hiện vật, về kinh phí cho việc xây dựng nội dung, và hàng chục nghìn ngày công lao động của các lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên, bộ đội, đồng bào Thủ đô và cả nước cho việc giải phóng mặt bằng, hoặc xây dựng khuôn viên bảo tàng. 3/ Nhưng không phải dấu ấn Xô - viết với Bảo tàng chỉ có vậy, mà trước đó hơn một thập kỷ, những cán bộ nghiệp vụ đầu tiên của Bảo tàng Hồ Chí Minh đã được gửi đi đào tạo trên đại học ở Liên Xô và Bungari. Từ năm 1975, hằng năm Bảo tàng Trung ương Lê-nin đón năm cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh sang Liên Xô trao đổi nghiệp vụ một tháng (từ năm 1985 đến 1990, rút xuống nửa tháng để số người được tăng lên 10). Không kể các đoàn lãnh đạo đi ký kết hợp tác hoặc phối hợp với họa sĩ Liên Xô thiết kế mỹ thuật trưng bày, riêng các đoàn đi trao đổi nghiệp vụ đã tới gần 20 đoàn với hơn một trăm người tham dự. Gọi là trao đổi nghiệp vụ là cách bạn nói cho có vẻ bình đẳng, chứ mọi người ở Bảo tàng Hồ Chí Minh thật sự coi đó là các chuyến đi học về phương pháp làm việc. Là người tham gia đoàn đi học năm 1982, tôi ấn tượng mãi về đất nước và con người Xô - viết. Ấn tượng không chỉ bởi Thủ đô Moscow hay thành phố Leningrad (nay là Sankt-Peterburg) đồ sộ, tươi đẹp, các công trình văn hóa hoành tráng, mà chính ở sự ân cần của mỗi người dân Xô - viết đối với người Việt Nam chúng ta. Chúng tôi là cán bộ cấp nhỏ - rất nhỏ, mà được thu xếp ở Khách sạn Tháng Mười - khách sạn dành cho cán bộ cao cấp người nước ngoài; được đích thân bà Giám đốc Bảo tàng Trung ương Lê-nin Ôn-ga Cri-vô-xây-na; đồng chí Gla-ru-nốp, Vụ trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tiếp và giảng bài. Chị La-rít-xa, cán bộ Phòng Đối ngoại của Bảo tàng thì ân cần chăm sóc chúng tôi như lũ em. Tôi nhớ mãi sau bữa cơm trưa ngày thứ 29 của chúng tôi ở Liên Xô, chị bảo: “Sáng mai về, chiều nay được nghỉ tự do, các em có nguyện vọng gì không?”. Là Phó trưởng đoàn nhưng được anh Trưởng đoàn giao cho phát ngôn hằng ngày, nên tôi đề đạt luôn: “Chúng em nghe nói Tháp truyền hình Moscow rất đẹp, chị có thể cho chúng em lên được không?”. Chị băn khoăn: “Đúng đấy, rất đẹp, nhưng giá vé khá cao, lại không có trong chương trình được duyệt”. Bọn tôi chia sẻ: “Vậy thì thôi chị ạ”. Dường như đọc được vẻ tiếc nuối trên khuôn mặt chúng tôi, chị quả quyết đứng dậy: “Để chị gọi điện báo cáo Ban Giám đốc”. Nói là làm, chị ra quầy lễ tân khách sạn gọi nhờ điện thoại, một lúc sau thấy chị hớn hở quay lại: “Được rồi các em, 13 giờ chiều nay đi nhé. Đi sớm để thời tiết đẹp, mới ngắm được toàn cảnh thành phố”. Bảo tàng Hồ Chí Minh đã khánh thành được 27 năm. Đến hôm nay, toàn công trình cũng như mọi trang thiết bị chủ yếu chưa hề xuống cấp. Người Việt mình thường đánh giá: Vật tư chuẩn, người thiết kế chuẩn, cộng với tình yêu Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh của những người tham gia, nên các bạn Liên Xô/Nga đã giúp chúng ta có được một công trình như thế. Hà Nội, tháng 11-2017 Theo nhandan.com.vn |