Việt Nam – Nhật Bản, 40 năm một chặng đường phát triển
(Vietpeace) Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia có mối quan hệ lịch sử lâu đời. Từ cuối thế kỷ 16, các nhà buôn Nhật đã đến Việt Nam giao thương, buôn bán. Ngày 21/9/1973, Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ, khởi đầu cho một kỷ nguyên hợp tác phát triển có lợi cho cả 2 bên về nhiều mặt.
![]() Ảnh: NN (Khai Thác) |
Về chính trị
Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược tháng 4/2009, quan hệ Nhật Bản – Việt Nam đã có những bước phát triển ngoạn mục. Từ đó đến nay, hai bên đã ký kết nhiều hiệp định và thỏa thuận quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước không ngừng được củng cố, phát triển mạnh. Nhật Bản ủng hộ đường lối đổi mới, mở cửa của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam hội nhập vào khu vực và thế giới thông qua các tổ chức quốc tế như APEC, WTO, ASEM, ARF, và tại các diễn đàn quốc tế quan trọng.
Từ tháng 11/2011 đến tháng 4/2012, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã hai lần đến thăm Nhật Bản và có các cuộc hội đàm rất tốt đẹp với Thủ tướng Noda Yoshihiko, đánh dấu sự hiểu biết lẫn nhau và thống nhất về các vấn đề hai bên cùng quan tâm. Đặc biệt, sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tháng 1/2013 Chính phủ hai nước đã nhất trí đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản lên một tầm cao mới và lấy năm 2013 là “Năm hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản”.
Việc Thủ tướng Shinzo Abe chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài khi mới nhận chức cho thấy vị trí và tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Chính phủ Nhật Bản. Chuyến thăm được coi như điểm mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới trong mối quan hệ hai nước.
Về kinh tế
Nhật Bản là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường (tháng 10/2011).
Ngày 1/10/2009, Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) chính thức có hiệu lực, đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ hợp tác kinh tế hai nước. Cùng với Hiệp định đối tác toàn diện Nhật Bản - ASEAN, VJEPA tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Trong Tuyên bố chung năm 2011, hai bên đặt mục tiêu đến năm 2020 tăng ít nhất gấp đôi kim ngạch thương mại song phương. Đồng thời, hai nước đã hoàn thành Giai đoạn IV Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản về cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam và thỏa thuận khởi động Giai đoạn V Sáng kiến chung trong năm 2013.
Từ đầu năm 2012 đến nay, Nhật bản đã vươn lên trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký lên đến trên 32 tỷ USD và với hơn 1990 dự án đầu tư còn hiệu lực.
Hiện nay, hàng trăm các doanh nghiệp lớn, nhỏ của Nhật Bản đang háo hức khám phá thị trường Việt Nam - một đất nước có sự ổn định chính trị - xã hội cao, nguồn lực dồi dào và đang vươn lên mạnh mẽ như một nền kinh tế mới nổi.
Thương mại hai chiều giữa hai nước hàng năm tăng đáng kể (năm 2011 đạt trên 21 tỷ USD, năm 2012 đạt 25 tỷ USD, và dự kiến năm 2013 đạt 29 tỷ USD đưa), Nhật Bản trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Về hợp tác văn hóa - giáo dục
Biểu hiện rõ nét của tình hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản qua chặng đường 40 năm vun đắp còn là sự giao thoa văn hoá giữa nhân dân hai nước. Nhân dân hai nước thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa đã có sự tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nước bạn, làm phong phú thêm trên cơ sở giữ gìn được bản sắc văn hoá dân tộc mình.
Nhật Bản có nhiều dự án giúp Việt Nam trong công tác nghiên cứu bảo tồn, bảo tàng như tôn tạo các ngôi nhà dân gian truyền thống tiêu biểu ở cả ba miền Bắc – Trung - Nam, bảo tồn khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.
Trong chuyến Việt Nam năm 2004, cựu Thủ tướng Koizumi Junichiro đến thăm khu di tích Hoàng Thành Thăng Long và đánh giá cao giá trị lịch sử của di tích này. Năm 2006, Ủy ban hỗn hợp Việt - Nhật bảo tồn di tích Hoàng Thành Thăng Long đã được thành lập. Từ đó đến nay, Nhật Bản đã cử nhiều đoàn chuyên gia về khảo cổ học sang Việt Nam cùng điều tra, khai quật và nghiên cứu khu di tích này.
Ngoài ra, hai bên cử nhiều đoàn sang thăm, làm việc, biểu diễn nghệ thuật, tham dự triển lãm, liên hoan phim, tổ chức lễ hội tại mỗi nước.
Kể từ năm 2003, “Những ngày Giao lưu Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản” tại Hội An được tổ chức trọng thể hàng năm nhằm thắt chặt mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản. Tại sự kiện này, các bạn Nhật Bản và người dân Hội An đã mang đến lễ hội những hoạt động đậm đà bản sắc dân tộc mình để giới thiệu, sẻ chia cùng nhau; qua đó, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và các giá trị văn hóa, lịch sử giữa hai dân tộc.
Trong tháng 9/2013 “Những ngày Việt Nam tại Nhật Bản” được tổ chức tại các thành phố lớn của Nhật Bản và “Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam – Nhật Bản 2013” sẽ được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp Bộ Ngoại giao và Ban đối ngoại Trung ương tổ chức trọng thể tại Hà Nội, Vĩnh Phúc và Quản Ninh. Đây là sự kiện lớn nhất từ trước đến nay trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo cũng được chú trọng. Hiện Việt Nam có khoảng 5 nghìn học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam ở Nhật Bản. Sự hợp tác giữa các trường đại học cũng ngày càng chặt chẽ và mở rộng. Những năm gần đây, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục - đào tạo của Việt Nam.
Về giao lưu hữu nghị nhân dân
Việc giao lưu nhân dân sẽ củng cố quan hệ tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau, gắn kết hai quốc gia và nhân dân hai nước, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các mối quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa-giáo dục.
Là cầu nối trong quan hệ nhân dân hai nước, Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản những năm qua đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động hữu nghị, hợp tác có hiệu quả như: trao đổi đoàn, tổ chức các hoạt động lễ tân đối ngoại, từ thiện, nhân đạo, cùng các đối tác tích cực ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, quốc khánh… Các hoạt động của Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản đã góp phần không nhỏ vào việc tăng cường, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Nhật Bản.
Hai năm về trước khi Nhật Bản phải đối mặt với động đất, sóng thần, người dân Việt Nam từ miền ngược đến miền xuôi, từ trẻ đến già đều đóng góp một phần nhỏ để chia sẻ khó khăn với nhân dân Nhật Bản như người thân trong cùng một đất nước, cùng một gia đình. Những sự hỗ trợ của người dân Việt Nam tuy còn nhỏ song nó chứa đựng tình cảm chân thực, lớn lao. Về phía Nhật Bản, dù đang khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, song Nhật Bản vẫn dành cho Việt Nam sự đầu tư ưu ái vào xây dựng các cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục… Đây không còn đơn thuần là vấn đề lợi ích quốc gia mà là tình cảm do lâu ngày vun đắp mà thành.
Trong những năm gần đây, hợp tác địa phương hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ. Một số địa phương hai nước đã thiết lập được mối quan hệ hợp tác hữu nghị trên nhiều lĩnh vực. Nhiều dự án hợp tác giữa các địa phương hai bên đã được thực hiện hiệu quả như tỉnh Osaka hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh triển khai thí điểm dự án về nước sạch, môi trường; tỉnh Fukuoka hỗ trợ thủ đô Hà Nội trong lĩnh vực xử lý chất thải rác ô nhiễm nguồn nước; thành phố Kitakyushu hỗ trợ thành phố Hải Phòng trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, hợp tác phát triển cảng biển…
Nhìn lại chặng đường phát triển quan hệ hai nước trong 40 năm qua, chúng ta có thể khẳng định tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam – Nhật Bản đã và đang tiếp tục được duy trì, củng cố, đổi mới và đi vào chiều sâu góp phần thiết thực vào sự nghiệp phát triển mỗi nước. Cùng với sự giúp đỡ lẫn nhau vượt qua nhiều biến động của lịch sử, mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản không chỉ dừng lại ở mức độ đối tác chiến lược, người dân hai nước còn dành cho nhau những tình cảm gắn bó đặc biệt và trở thành những người bạn thân thiết thực sự.
NN