Đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế
Chào mừng các đại biểu đến Việt Nam tham dự Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới, bà Nguyễn Phương Nga đã gửi lời cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ Hội đồng hoà bình thế dành cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, hoà bình, thống nhất đất nước trước đây và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Tại cuộc gặp gỡ, bà Nguyễn Phương Nga chia sẻ tới các đại biểu một số thông tin khái quát về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, về chính sách đối ngoại của Việt Nam và đường lối phát triển đất nước trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Phương Nga - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phát biểu tại cuộc gặp gỡ (Ảnh: Thu Hà). |
Trải qua 35 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu: Kinh tế - xã hội ổn định và ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt cả về mức sống và chất lượng cuộc sống; hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố vững mạnh; an ninh quốc phòng được giữ vững, tăng cường; đối ngoại, hội nhập quốc tế không ngừng mở rộng, vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trong thời gian qua, quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế của Việt Nam tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu, tạo khung khổ quan hệ ổn định và bền vững với các đối tác cả ở cấp độ song phương và đa phương, trên cả ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 190/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 17 quốc gia, quan hệ đối tác toàn diện với 13 quốc gia. Việt Nam có quan hệ với 247 chính đảng trên phạm vi 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam đã xây dựng, vun đắp quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước trên thế giới.
Các đại biểu tham dự cuộc gặp gỡ (Ảnh: Thu Hà). |
Đến nay, Việt Nam đã tham gia và là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu (như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO). Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực tham gia các thể chế quốc tế, đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng; tích cực tham gia và có đóng góp thiết thực vào các diễn đàn đa phương của các chính đảng, tham gia nỗ lực quốc tế thúc đẩy hòa giải, giải quyết xung đột, kiến tạo hòa bình…
Từ năm 2014 Việt Nam đã tích cực tham gia vào hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc, đã cử trên 500 lượt sỹ quan tham mưu, 4 bệnh viện dã chiến cấp 2 và 1 đơn vị công binh đến các phái bộ gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc ở châu Phi.
Cổ vũ, tiếp sức cho Việt Nam thực hiện mục tiêu đề ra
Đề cập đến đường lối phát triển đất nước trong thời gian tới, bà Nguyễn Phương Nga cho biết, Việt Nam quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động, thực chất, hiệu quả. Mục tiêu là phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đến giữa thế kỷ XXI trở thành một nước phát triển theo định hướng XHCN.
Bà Nguyễn Phương Nga trao đổi với các đại biểu sau cuộc gặp gỡ (Ảnh: Thu Hà). |
Tại cuộc trao đổi, các đại biểu đã đặt ra nhiều câu hỏi về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề phổ cập giáo dục, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, chính sách ngoại giao của Việt Nam... và được giải đáp trên tinh thần cởi mở, tin cậy.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga cho biết, các câu hỏi của các đại biểu thể hiện sự quan tâm, ủng hộ đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam cũng như đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà nhân dân Việt Nam đang tiến hành.
Ông Iraklis Tsavdaridis - Thư ký Thường trực Hội đồng Hoà bình thế giới - tặng quà lưu niệm cho bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. (Ảnh: Thu Hà) |
Bà khẳng định: “Sự ủng hộ, giúp đỡ của các đại biểu là nguồn cổ vũ đối với chúng tôi, là nhân tố quyết định tiếp sức cho chúng tôi trong việc thực hiện những mục tiêu đã đề ra. Đồng thời giúp chúng tôi thêm vững bước và tiến nhanh hơn trên con đường đã chọn, xây dựng một nước Việt Nam XHCN hùng cường, giàu mạnh, phồn vinh và tiếp tục đóng góp tích cực, hiệu quả vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững”.
Trong thời gian tới, Việt Nam tập trung vào các trọng tâm:
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các đột phá chiến lược: Xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ thành tựu cách mạng 4.0, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh kinh tế số, xã hội số; Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, quyết liệt triển khai các chiến lược, kế hoạch, chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh phù hợp, hiệu quả.
Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước
Xây dựng hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN; Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Q.Hoa t.h / Thời Đại