Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định chấp dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (Trung tâm Hội nghị quốc tế Paris, 27/1/1973) |
Đàm phán, đi đến ký kết Hiệp định Paris không phải là một chiến trường phải đổ máu, nhưng đó lại là một cuộc đấu trí quyết liệt, cam go giữa những “bậc thầy” của ngành ngoại giao Việt Nam và Mỹ. Trên bàn Hội nghị, một bên là Mỹ “cáo già”, dày dạn kinh nghiệm, nhiều thủ đoạn, còn một bên là Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng khôn khéo, biết mình biết người, biết “nhu” biết “cương”. Trí tuệ Việt Nam đã được thể hiện, khẳng định bởi chúng ta phải cùng một lúc tham gia trực diện vào cả hai cuộc đấu tranh: trên chiến trường Việt Nam và trên bàn đàm phán ở Pháp. Mục đích cuối cùng là chúng ta phải giành chiến thắng! Vượt qua bao khó khăn, kết hợp sự thông minh, mưu trí trên bàn đàm phán và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, chúng ta đã giành được thắng lợi. Kết quả của cuộc đàm phán kéo dài nhất, cam go nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam đã khẳng định được bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam. Chúng ta không chỉ nhận được sự cảm phục của nhân dân các nước trong hệ thống XHCN, mà còn của nhân dân các nước yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Sau cuộc Tổng tiến công Mậu thân 1968, cục diện cuộc chiến ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi; hai bên bắt đầu cuộc đàm phán Việt Nam - Hoa Kỳ. Ta thực hiện chiến lược “vừa đánh vừa đàm”, bắt đầu từ mùa Xuân năm 1968 và kết thúc vào ngày 27/1/1973. Cuộc đàm phán về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam đã diễn ra trong hai đời tổng thống Mỹ (Lyndon B. Johnson và Richard M. Nixon).
Giai đoạn đàm phán dưới thời Tổng thống Lyndon B. Johnson diễn ra từ 15/3/1968 đến 31/10/1968. Kết thúc giai đoạn này, Tổng thống Johnson buộc phải tuyên bố chấm dứt ném bom và chấp nhận để Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị Paris.
Tháng 1/1969, Richard M. Nixon nhậm chức Tổng thống Mỹ. Ngày 18/1/1969, Hội nghị 4 bên họp phiên đầu tiên dưới hình thức bàn tròn; đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam xếp ngang hàng với các đoàn đại biểu khác. Trên bàn đàm phán, cuộc đấu trí diễn ra quyết liệt giữa các bên đàm phán, đặc biệt là giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Trợ lý Tổng thống Mỹ H. Kissinger.
Tại cuộc đàm phán ngày 8/10/1972, phái đoàn Việt Nam đưa cho Mỹ bản dự thảo Hiệp định với những điều khoản yêu cầu Mỹ rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam. Bản dự thảo lúc đầu được các bên nhất trí, nhưng đến ngày 22/10/1972 phía Mỹ lật lọng không chấp thuận và viện dẫn chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đòi sửa đổi bản dự thảo. Đến ngày 12/12/1972, cuộc đàm phán phải tạm dừng.
Đêm 18/12/1972, Tổng thống Richard M. Nixon ra lệnh ném bom huỷ diệt Hà Nội và Hải Phòng bằng máy bay B52. Cuộc đụng đầu lịch sử 12 ngày đêm được ví là Trận Điện Biên Phủ trên không kết thúc bằng việc 81 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có 34 pháo đài bay B52 và 5 chiếc F111; có những “pháo đài bay B52” bị bắn rơi ngay trên bầu trời Hà Nội. Đây là đòn quyết định nhất buộc Richard M. Nixon, ngày 30/12/1972, phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, và đề nghị cho phía Mỹ gặp đoàn đại biểu Việt Nam tại Paris để ký hiệp định chấm dứt chiến tranh. Ngày 23/1/1973, Cố vấn Lê Đức Thọ cùng Trợ lý Tổng thống Mỹ H. Kissinger đã ký tắt văn bản Hiệp định. Ngày 27/1/1973 đã diễn ra lễ ký chính thức Hiệp định tại Paris, buộc Mỹ phải cuốn cờ rút khỏi miền Nam, đồng thời làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.
Các Bộ trưởng ngoại giao ký Hiệp định Paris về VN: William Rogers, thay mặt đoàn Hoa Kỳ; Nguyễn Duy Trinh thay mặt đoàn VN DCCH; Trần Văn Lắm thay mặt đoàn VN CH; Nguyễn Thị Bình thay mặt đoàn CP CM lâm thời MNVN. |
Các Bộ trưởng ngoại giao ký Hiệp định Paris về VN: William Rogers, thay mặt đoàn Hoa Kỳ; Nguyễn Duy Trinh thay mặt đoàn VN DCCH; Trần Văn Lắm thay mặt đoàn VN CH; Nguyễn Thị Bình thay mặt đoàn CP CM lâm thời MNVN
Nội dung cơ bản của Hiệp định được ghi rõ:
- Hoa Kỳ và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
- Hai bên ngừng bắn ở miền Nam vào lúc 24h00 ngày 27/01/1973 và Hoa Kỳ cam kết chấm dứt mọi hoạt động quân sự chống miền Bắc Việt Nam.
- Hoa Kì phải rút hết quân viễn chinh và quân chư hầu về nước, hủy bỏ hết các căn cứ quân sự, cam kết không tiếp tục dính líu hay can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.
- Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của họ thông qua tổng tuyển cử tự do, không có sự can thiệp của nước ngoài.
- Các bên thừa nhận thực tế ở miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị.
- Các bên ngừng bắn tại chỗ, trao trả cho nhau tù binh và dân thường bị bắt.
- Hoa Kỳ cam kết góp phần vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương, thiết lập quan hệ bình thường cùng có lợi với Việt Nam.
Với chiến thuật đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng miền Nam; sự tranh thủ dư luận quốc tế trong các buổi họp báo và ngoại giao nhân dân trên nhiều lĩnh vực, nhiều diễn đàn và ở nhiều quốc gia khác, chúng ta đã buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thắng lợi Việt Nam tại Hội nghị Paris chứng tỏ sự trưởng thành vượt bậc của nền ngoại giao Việt Nam. Cùng với những thắng lợi trên chiến trường, thắng lợi trên bàn đàm phán đã đem lại cho Việt Nam các quyền dân tộc cơ bản là độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam, cùng với các hoạt động kỷ niệm của cả nước, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam sẽ đón một số khách quốc tế, tổ chức các hoạt động với mục đích nhìn lại chặng đường đấu tranh đầy hi sinh, gian khổ vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc; ôn lại những bài học kinh nghiệm quý báu có được từ cuộc đàm phán dài nhất, cam go nhất trong lịch sử Ngoại giao nước nhà: khẳng định sự đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại của Đảng ta, và sự vận dụng sáng tạo tư tưởng và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.
Các hoạt động kỷ niệm sẽ diễn ra từ ngày 24/1 đến ngày 28/1 ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Vào ngày 24/1/2013 tại Hà Nội, sẽ diễn ra các buổi gặp mặt giữa các Hội hữu nghị và các đại biểu. Đây là hoạt động mở đầu cho chương trình hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris. Vào các ngày 25/1 đến 27/1 tại Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh sẽ diễn ra các chương trình như: Lễ kỷ niệm cấp Nhà nước theo chương trình của Bộ Ngoại giao tại Nhà hát lớn, Giao lưu “Hiệp định Paris và tấm lòng bạn bè quốc tế” tại cung Văn hóa Thể thao Thanh niên Hà Nội; Hội thảo bàn tròn “Gặp gỡ nhân chứng lịch sử” tại TP HCM, Thăm bảo tàng chứng tích chiến tranh và các nạn nhân chất độc màu da cam…
Đây cũng là dịp để chúng ta bày tỏ lòng tri ân đối với các bậc lão thành cách mạng đã tham gia vào quá trình đàm phán, ký kết được hiệp định; ghi nhận sự đóng góp tích cực của kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè các nơi trên thế giới đã ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam; là cơ hội để củng cố và xây dựng quan hệ đoàn kết quốc tế trong giai đoạn mới. Đây cũng là một dịp để giáo dục, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng vẻ vang cho thế hệ trẻ cả nước nói chung và cán bộ nhân viên hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại nói riêng./.
Hằng