Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Phương Hoa/ TTXVN)
Một người là Tiến sỹ Sandra Scagliotti, nhà Việt Nam học, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại 2 vùng Piemonte và Liguria, miền Bắc Italy, người kia là bà Hélène Luc, Thượng nghị sĩ danh dự, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV).
Hai người phụ nữ sống ở hai nước khác nhau, song có một điểm chung, họ đều gắn bó với Việt Nam và đều từng được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Italy, Tiến sỹ Sandra Scagliotti, người say mê nghiên cứu về Việt Nam và Bác Hồ (từng dịch một số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng Italy, như cuốn Đường kách mệnh), cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo có đóng góp đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, chăm lo đời sống người dân, xây dựng chỉnh đốn Đảng và chống tham nhũng tại Việt Nam.
Bà Scagliotti cũng nhắc lại những kỷ niệm không quên khi được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2013, thời điểm Tổng Bí thư thăm chính thức Italy và gặp Tổng thống Italy lúc đó là Giorgio Napolitano tại dinh Tổng thống ở Rome.
Là một trong các chủ biên của Nhà xuất bản Anteo Edizioni, Tiến sỹ Sandra Scagliotti đã đưa vào ấn phẩm Banyan của nhà xuất bản trên bản dịch tiếng Italy cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bản dịch tiếng Italy của cuốn sách vừa được ra mắt tháng 5 vừa qua. Bà Scagliotti đánh giá cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ tổng kết đường lối Đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn là bài học quý báu cho những chính đảng trên thế giới.
Bà Scagliotti cho rằng với kiến thức lý luận vững chắc trong lĩnh vực chủ nghĩa duy vật biện chứng, gắn liền với các nghiên cứu chính trị-nhân học gần đây nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá sự phát triển không ngừng của văn hóa và vấn đề làm thế nào để kết hợp giữa văn hóa và bản sắc đất nước với sự phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Tổng Bí thư, xã hội xã hội chủ nghĩa (hướng tới một bộ phận nhân loại) có những giá trị cơ bản bền vững: Đó là một xã hội trong đó sự phát triển phải thực sự phục vụ con người, một xã hội trong đó phát triển kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Một xã hội đoàn kết và hỗ trợ, trong đó sự giúp đỡ lẫn nhau là mệnh lệnh hằng ngày.
Tiến sỹ Scagliotti nhắc lại Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định khát vọng hướng tới xã hội này là dựa trên việc thực hiện các mối quan hệ giữa các cá nhân, được quy định bởi sự tôn trọng và mong muốn đoàn kết, chứ không phải dựa trên cơ sở của chủ nghĩa cơ hội. Và như Tổng Bí thư vẫn nêu, phát triển bền vững phải hài hòa với thiên nhiên mới bảo đảm được môi trường sống phù hợp cho thế hệ hiện tại và tương lai.
Theo bà Scagliotti, kinh nghiệm đấu tranh cách mạng thắng lợi của nhân dân Việt Nam, tiếp nối trong gần 40 năm Đổi mới và được tôn vinh bởi những thành công kinh tế-xã hội ngày nay, đã góp phần khẳng định và nâng cao vị thế, uy tín và sức mạnh của Việt Nam tại nhiều diễn đàn và cơ chế đa phương.
Trong số các "kiến trúc sư" của sự thành công to lớn này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có đóng góp cá nhân mạnh mẽ trong việc thực hiện “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội,” xây dựng lý luận về đường lối đổi mới, về quan niệm chủ nghĩa xã hội và về con đường hướng tới chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam đã và đang thực hiện.
Bà Scagliotti nhấn mạnh với sự kiên trì và bền bỉ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tăng cường được các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế từ góc độ chủ nghĩa đa phương.
Bà rất tâm đắc với tuyên bố của Tổng Bí thư rằng “không ai được chùn bước, do dự” tuân theo các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cũng được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2013 trong lễ kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Thượng nghị sỹ danh dự, bà Hélène Luc, Chủ tịch danh dự AAFV, tâm sự với phóng viên TTXVN tại Paris rằng hình ảnh một nhà lãnh đạo rất coi trọng mối quan hệ giữa con người với nhau vẫn luôn in đậm trong tâm trí bà.
Kể lại những lần tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nữ Thượng nghị sỹ danh dự Pháp cho biết tâm trí bà vẫn còn nguyên vẹn ấn tượng, nỗi xúc động và niềm vinh dự khi được Tổng Bí thư mời tham gia cuộc giao lưu với Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV) nhân chuyến thăm Pháp năm 2018.
Theo bà Hélène Luc, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần khiến đất nước Việt Nam mất đi một nhà lãnh đạo uy tín, người để lại dấu ấn rất đậm nét và lâu dài trong lịch sử dân tộc đất nước.
Bà Hélène Luc nêu rõ việc được đào tạo chuyên ngành ở nhiều lĩnh vực như kinh tế - chính trị, khoa học nhân văn,... đã giúp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành một nhà lãnh đạo tài ba.
Nhưng điều đặc biệt ở ông là khả năng thuyết phục và dẫn dắt các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản của các nước. Kể từ khi được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã liên tục nỗ lực thực hiện sự nghiệp Đổi mới, tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với nhiều quốc gia trên thế giới.
Qua đó, Tổng Bí thư đã tạo điều kiện cho nhiều công ty nước ngoài tại Việt Nam phát triển, đồng thời khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Điều này đã góp phần mang lại những thành tựu to lớn, đưa Việt Nam nhanh chóng trở thành một trong những quốc gia thịnh vượng và có tốc độ phát triển nhanh ở Đông Nam Á.
Trong quan hệ quốc tế, chính trị gia người Pháp này cho rằng Tổng Bí thư tiếp tục noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc nỗ lực thiết lập quan hệ với càng nhiều nước trên thế giới càng tốt, ưu tiên sử dụng các biện pháp ngoại giao để giải quyết một cách hòa bình những vấn đề bất đồng, qua đó giúp ngăn chặn hoặc chấm dứt xung đột.
Đánh giá về đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với quan hệ Việt Nam-Pháp, bà Hélène nhận thấy rằng cũng như những người tiền nhiệm, Tổng Bí thư luôn coi trọng và mong muốn phát triển hợp tác với Pháp trên mọi lĩnh vực kinh tế, khoa học, văn hóa, đồng thời cho rằng hai bên có thể làm được nhiều hơn thế.
Bà Hélène khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong lịch sử Việt Nam, như một tấm gương cho các thế hệ trẻ, những người sẽ rất muốn tìm hiểu lịch sử đất nước cũng như những đóng góp của Tổng Bí thư đối với quá trình xây dựng và phát triển đất nước, để tiếp nối nỗ lực củng cố và nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế./.
Theo TTXVN