Bí thư thành ủy Đà Nẵng tiếp đoàn.
Tại buổi tiếp, đồng chí Trần Thọ đã nhiệt liệt chào mừng đoàn đại biểu đến thăm thành phố Đà Nẵng và đánh giá cao việc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức Liên hoan lần này tại Đà Nẵng. Đồng chí Trần Thọ cho rằng đây là một hoạt động rất có ý nghĩa góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân Ấn Độ với nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Đà Nẵng nói riêng.
Đồng chí Trần Thọ đã giới thiệu với đoàn đại biểu Ấn Độ về tình hình phát triển kinh tế xã hội của thành phố trong những năm gần đây; đặc biệt nhấn mạnh đến dự án hợp tác với Ấn Độ về công nghệ thông tin và đào tạo tiếng Anh; và hy vọng rằng trong tương lai sẽ có nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đến làm ăn tại Đà Nẵng.
Thay mặt đoàn đại biểu Ấn Độ, ông D. P Tripathi, Thượng nghị sỹ, Tổng Thư ký Đảng Quốc đại Dân tộc, Phó Chủ tịch Tổ chức Hòa bình và Đoàn kết Toàn Ấn Độ đã bày tỏ vui mừng được đến thăm thành phố biển Đà Nẵng, đồng thời cảm ơn những nỗ lực của thành phố để Liên hoan lần này được tổ chức tại thành phố. Ông đánh giá cao những thành tựu mà Đà Nẵng đã đạt được trong những năm qua và tin rằng Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố đi đầu trong công cuộc xây dựng đất nước.
Ông D. P Tripathi mong muốn thành phố Đà Nẵng sẽ kết nghĩa với thành phố Chennai, thủ phủ bang Tamil Nadu của Ấn Độ. Đồng chí Trần Thọ ghi nhận đề nghị này và giao cho các ngành hữu quan của thành phố nghiên cứu đề xuất lãnh đạo thành phố.
Trước đó, sáng 23/10, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Đà Nẵng phối hợp với Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã tổ chức Tọa đàm “Giao lưu Văn hóa Việt Nam - Ấn Độ”.
Tham dự Tọa đàm có ông Nguyễn Văn Mỹ, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Á – Phi, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; ông Vũ Quang Diệm, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ; ông Huỳnh Đức Trường, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Đà Nẵng; ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng; các nhà nghiên cứu về văn hóa Chăm và toàn thể đoàn đại biểu Ấn Độ.
Tại cuộc Tọa đàm, đại biểu hai bên đã đóng góp những tham luận chuyên sâu về nguồn gốc văn hóa Chăm, sự ảnh hưởng của văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của Ấn Độ tại Việt Nam cũng như sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong suốt thời gian từ thể kỷ thứ VII.
Trưởng đoàn Ấn Độ Tripathi cho rằng, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của Ấn Độ du nhập vào Việt Nam bằng con đường hòa bình, không cưỡng ép, được tiếp thu hết sức tự nhiên và tự nguyện. Mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ cũng được bắt nguồn và phát triển trên cơ sở đó. Do vậy, mối quan hệ này sẽ mãi mãi là mối quan hệ hữu nghị, hợp tác và không bao giờ đổ vỡ. Trên cơ sở nền tảng quan hệ văn hóa tốt đẹp lâu đời đó, hai nước cần nhân rộng và phát triển quan hệ Việt Nam và Ấn Độ trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, khoa học- công nghệ, giáo dục và đào tạo…
Cũng trong ngày 23/10, đoàn đại biểu Ấn Độ đã đến thăm và làm việc với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng. Hai bên đã giới thiệu và trao đổi với nhau về các hoạt động hữu nghị, đoàn kết mà các tổ chức nhân dân hai bên tiến hành trong những năm qua, và cho rằng cần có nhiều hoạt động giao lưu hữu nghị như Liên hoan lần này để tăng cường sự hiểu biết và đoàn kết giữa nhân dân hai nước.
Sáng ngày 24/10, đoàn đại biểu nhân dân Ấn Độ sẽ đến thăm và làm việc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Hòa bình thành phố Đà Nẵng.
Tối cùng ngày, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Đà Nẵng sẽ tổ chức “Giao lưu Nghệ thuật Việt Nam - Ấn Độ” giữa các nghệ sĩ Việt Nam và các nghệ sĩ của đoàn Ấn Độ tại nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh của thành phố./.
Trần Minh