Hội nghị Ban Chấp hành Hội đồng Hòa bình thế giới năm 2017.
Lịch sử hình thành và phát triển
Trong bối cảnh đó, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh, nhất là chiến tranh thế giới thứ ba, chiến tranh hạt nhân, đã trở thành yêu cầu cấp bách và là nhiệm vụ quan trọng nhất của tất cả các lực lượng có lương tri và yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Rất nhiều tổ chức quần chúng đấu tranh vì hòa bình ra đời, tập hợp các nhà hoạt động hòa bình từ mọi tầng lớp xã hội.
Trong đó, nổi bật là Hội nghị các trí thức thế giới vì hòa bình diễn ra ngày 6/8/1948 tại Wroclaw, Ba Lan. Hội nghị đã thành lập Ủy ban phối hợp các hoạt động hòa bình, đóng vai trò nòng cốt trong triển khai các hoạt động đấu tranh bảo vệ nền hòa bình chung của nhân loại.
Ngày 25/2/1949, Ủy ban phối hợp các hoạt động hòa bình đã kêu gọi tất cả các tổ chức dân chủ hoạt động vì hòa bình tiến bộ, các cá nhân trên toàn thế giới chung tay ngăn chặn nguy cơ chiến tranh và tham gia Đại hội nhân dân thế giới bảo vệ hòa bình. Chưa đầy 60 ngày kể từ khi phát động, đã có 18 tổ chức dân chủ quốc tế, hàng nghìn tổ chức hòa bình quốc gia và 2.900 nhân vật nổi tiếng đăng ký tham dự. Không khí đó đã tạo nên niềm cảm hứng cho nhà thơ cộng sản Pháp Louis Aragon sáng tác bài thơ “Trẩy hội hòa bình”.
Từ ngày 20 đến 26/4/1949, hơn 1.000 đại biểu từ 75 nước đại diện cho nhiều tổ chức quần chúng quốc tế và nhiều nhân vật nổi tiếng đã tham dự Đại hội nhân dân thế giới bảo vệ hòa bình tại Paris. Cùng con số đại biểu và thời gian tương tự, các đoàn đại biểu từ Đông Âu và châu Á, do không được cấp thị thực đến Pháp, đã đến Praha, Tiệp Khắc tham gia Đại hội để hưởng ứng phong trào hòa bình. Ngày Đại hội diễn ra, trong hội trường tại Paris có treo bức tranh chim bồ câu của danh họa Picasso. Từ đó, chim bồ câu đã trở thành biểu tượng bất hủ của hòa bình.
Ngày 25/4/1949, Đại hội đã ra tuyên bố về những mục đích cơ bản, nguyên tắc hoạt động, điều kiện thiết yếu của tự do và hòa bình là tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc; phấn đấu vì hòa bình, vì quyền tự quyết của các dân tộc; thủ tiêu vũ khí hạt nhân, dành chi phí quân sự để giảm nghèo, hạn chế năng lực quân sự của các cường quốc; cùng tồn tại hòa bình và phát triển; phản đối và lên án mọi hành động hiếu chiến, phá hủy các quyền tự do dân chủ, reo rắc hận thù giữa các chủng tộc và dân tộc; kêu gọi vô hiệu hóa các luận điệu tuyên truyền cho một cuộc chiến tranh mới.
Người chủ trì Đại hội-nhà bác học Pháp Frédéric Joliot-Curie đã phát biểu: “Hòa bình là công việc của tất cả mọi người”. Phát biểu của ông đã trở thành lời hiệu triệu và lan tỏa nhanh chóng trên thế giới trong bối cảnh tình hình thế giới lúc đó, đặc biệt ngay sau khi Hiệp ước an ninh Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra đời ngày 4/4/1949 tại Washington.
Đại hội cũng quyết định thành lập Ủy ban phối hợp (Ban Chấp hành) đặt trụ sở tại Paris do Frédéric Joliot-Curie đứng đầu. Tháng 3/1950, Ủy ban đã họp tại Stockholm, Thụy Điển ra lời kêu gọi cấm vũ khí hạt nhân. Lời kêu gọi đã được hơn 600 triệu người trên toàn thế giới ký tên hưởng ứng.
Tiếp đó, cuối tháng 10 đầu tháng 11/1950, Đại hội lần thứ 2 tại Warsaw, Ba Lan đã quyết định đổi tên thành Hội đồng Hòa bình thế giới, cử Ban Chấp hành do ông Frédéric Joliot-Curie làm Chủ tịch. Đại hội đã ra tuyên bố ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân Triều Tiên chống Mỹ xâm lược và ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam. Đây là nghị quyết ủng hộ Việt Nam đầu tiên của Hội đồng.
Trong hai ngày 25 và 26/2/1951, Hội nghị Ban Chấp hành Hội đồng Hòa bình thế giới lần thứ nhất đã họp tại Berlin, Cộng hòa Dân chủ Đức. Hội nghị đã ra lời kêu gọi 5 nước lớn bao gồm Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ký công ước hòa bình. Lần đầu tiên Việt Nam đã cử đoàn từ chiến khu kháng chiến trong nước tham dự Hội nghị.
Báo Cứu quốc số 1765 ra ngày 2/3/1951 đã đăng tin: 162 đại biểu của 46 nước đã ký vào bản hiệu triệu của Hội đồng Hòa bình thế giới. Trong số các đại biểu, người ta thấy ông Nguyễn Văn Hưởng, đại biểu Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam tham gia ký tên (Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Y tế).
Trong những năm 1950, nhiều tổ chức dân chủ và hòa bình quốc tế ra đời, là thành viên hoặc đối tác liên kết của Hội đồng Hòa bình thế giới. Trong những năm 1960-1980, Hội đồng hòa bình thế giới là một trong những tổ chức quốc tế đóng vai trò nòng cốt trong phong trào nhân dân thế giới đấu tranh cho hòa bình, chống chiến tranh đế quốc, vũ khí hạt nhân, đoàn kết và ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước Á-Phi-Mỹ Latinh.
Ngày nay, trước bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường với những chuyển biến rất cơ bản và sâu sắc, Hội đồng Hòa bình thế giới vẫn luôn giữ vững mục tiêu từ khi ra đời: Hòa bình là công việc của tất cả, là đấu tranh và ủng hộ đoàn kết với nhân dân các nước trên thế giới vì hòa bình, công lý, độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ.
Hội đồng Hòa bình thế giới hiện đã phát triển với hơn 100 thành viên, gồm các tổ chức hòa bình quốc gia, tổ chức quần chúng dân chủ tiến bộ, có tư cách là tổ chức tư vấn phi chính phủ của Hội đồng Kinh tế-Xã hội của Liên hợp quốc, là đối tác tin cậy của phong trào không liên kết.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng Hội đồng vẫn luôn là ngọn cờ tập hợp các lực lượng hòa bình tiến bộ trên toàn thế giới; tạo diễn đàn mở để đối thoại, hợp tác kết nối ủng hộ lẫn nhau giữa các tổ chức và cá nhân nhằm thực hiện mục tiêu chung, tạo nên sức mạnh đấu tranh vì hòa bình và công lý như tuyên bố của Hội đồng khi ra đời.
Hội đồng Hòa bình thế giới với Việt Nam
Ngay từ đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã thấy rõ vai trò quan trọng của Hội đồng Hòa bình thế giới và sự cần thiết kết nối Việt Nam với tổ chức quốc tế này. Ta đã cử 11 đại biểu Việt Nam tham gia Đại hội thành lập Hội đồng Hòa bình thế giới năm 1949, trong đó có giáo sư Phạm Huy Thông và nhà toán học Lê Văn Thiêm. Như vậy, Việt Nam là một trong những nước đã tham gia sáng lập Hội đồng Hòa bình thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo việc thành lập Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam (nay là Ủy ban Hòa bình Việt Nam) ngay trong những ngày ta kháng chiến chống Pháp. Ngày 17/11/1950, Người đã gửi thư cho Đại hội thành lập Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam - được khai mạc vào ngày 19/11/1950. Đại hội đã suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh là chiến sĩ “Hòa bình số 1” và Chủ tịch danh dự của Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam.
Năm 1950, ta đã cử đoàn đại biểu từ chiến khu đi tham dự Đại hội lần thứ 2 của Hội đồng Hòa bình thế giới tại Warsaw, Ba Lan năm 1950. Tại Đại hội này, Hội đồng đã lần đầu tiên ra tuyên bố ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam. Cũng trong năm này, dù trong điều kiện khó khăn của kháng chiến, ta vẫn thu được gần sáu triệu chữ ký để hưởng ứng Lời kêu gọi Stockholm về cấm vũ khí hạt nhân.
Hơn 70 năm qua, Hội đồng Hòa bình thế giới đã luôn đồng hành cùng Việt Nam, đoàn kết và ủng hộ Việt Nam trong mọi giai đoạn lịch sử, từ cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cho đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Việt Nam cũng luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm của Hội đồng Hòa bình thế giới, được tín nhiệm bầu giữ vị trí Phó Chủ tịch và thành viên Ban Thư ký của Hội đồng trong nhiều nhiệm kỳ qua.
Nhiều lần Việt Nam đã đón các đoàn lãnh đạo của Hội đồng, tổ chức các cuộc họp Ban Chấp hành và nhiều sự kiện của Hội đồng Hòa bình thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cao nhất của ta đều đã tiếp và gặp gỡ các lãnh đạo Hội đồng trong các chuyến thăm đến Việt Nam.
Gần đây nhất, năm 2017, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Ban Chấp hành của Hội đồng tại Hà Nội, đồng thời nhân dịp đó ta đã cùng Hội đồng Hòa bình thế giới tổ chức kỷ niệm 100 năm kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga. Đối với các tổ chức thành viên của Hội đồng, Việt Nam luôn là biểu tượng của niềm tin, của khát vọng hòa bình, công lý, chính nghĩa và lẽ phải, của tình đoàn kết quốc tế và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tinh thần đoàn kết đó luôn có vị trí, vai trò đặc biệt trong mặt trận đoàn kết quốc tế nói chung, và trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam nói riêng.
Việc Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới trong tháng 11/2022 sẽ tiếp tục là dấu mốc quan trọng, thể hiện sinh động tình đoàn kết quốc tế, vai trò, trách nhiệm và đóng góp tích cực của Việt Nam vào phong trào hòa bình chung của toàn nhân loại, vì một thế giới hòa bình, công bằng, dân chủ, tiến bộ và văn minh.
UÔNG CHU LƯU, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam