Các đại biểu dự Chương trình Gặp gỡ các nhân chứng lịch sử nhân dịp kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp định Pa-ri (Ảnh minh họa)
Liên hiệp sẽ đón gần 30 đại biểu quốc tế bao gồm đại diện cho các tổ chức như: Hội đồng Hòa bình thế giới, Hội Luật gia dân chủ quốc tế, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế, Liên hiệp Công đoàn thế giới, Tổ chức Hòa bình đoàn kết toàn Ấn Độ, Hội hữu nghị Campuchia - Việt Nam, Hội hữu nghị Lào - Việt Nam, Hội hữu nghị Pháp - Việt , Hội hữu nghị Hungary- Việt Nam, tổ chức Cựu binh Mỹ phản đối chiến tranh Việt Nam...
Ngoài ra tham dự các hoạt động còn có: Đại diện các bộ, ban, ngành, các tổ chức nhân dân, các cơ quan thông tấn, báo chí; đại diện các các tổ chức thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Chuỗi sự kiện kỷ niệm bao gồm: Chủ tịch nước tiếp đoàn đại biểu quốc tế; Chương trình gặp gỡ, giao lưu với các nhân chứng lịch sử quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris; Đoàn đại biểu quốc tế dự Lễ kỷ niệm 50 năm đàm phán, ký kết hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam do Bộ Ngoại giao tổ chức; Lễ cầu nguyện vì hòa bình tại các trụ sở trung ương các giáo hội; Đoàn đại biểu quốc tế viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trồng cây hòa bình, thăm quan triển triển lãm, bảo tàng.
Theo Ban Tổ chức, đây là dịp để Việt Nam tri ân tình đoàn kết, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước cũng như công cuộc xây dựng đất nước ngày nay. Đồng thời, truyền tải hình ảnh Việt Nam thủy chung, son sắt với bạn bè năm châu, một Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; Giáo dục truyền thống về ý nghĩa lịch sự của Hiệp định Paris, về thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam và những đóng góp quan trọng của đối ngoại nhân dân trong quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định.
Cách đây 50 năm, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris - Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết. Đánh giá về thành công và tầm vóc lịch sử của Hiệp định này, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho biết: Hiệp định Paris là mốc son chói lọi trong lịch sử ngoại giao Việt Nam cũng như lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.
"Thành công này chứng tỏ sức mạnh của ngoại giao Việt Nam, là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại nhân dân kết hợp với truyền thống hòa hiếu của cha ông ta. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa đánh và đàm, giữa đấu tranh trên bàn đàm phán với những thắng lợi trên chiến trường và thắng lợi trong công cuộc bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Thành công của Hiệp định Paris còn là sự kết hợp sống động, hài hòa, nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữa ý chí đấu tranh của dân tộc ta với nguyện vọng, khát khao của nhân dân thế giới vì hòa bình và độc lập dân tộc, sức mạnh của đoàn quốc tế", Đại sứ Nguyễn Phương Nga khẳng định.
Nhận định, những bài học kinh nghiệm quý giá từ Hội nghị Paris và Hiệp định Paris vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp như hiện nay, Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh 3 bài học cụ thể:
Thứ nhất là ý chí kiên định bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong giai đoạn đàm phán tiến tới ký kết Hiệp định Paris, lợi ích quốc gia dân tộc là hòa bình, chấm dứt chiến tranh, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thống nhất của Việt Nam. Ý chí kiên định ấy ngày nay vẫn tiếp tục được giữ vững để bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước; bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ hai là sức mạnh của nhân dân, sự ủng hộ, đoàn kết của nhân dân quốc tế đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để làm được điều này, nhân dân Việt Nam phải làm tốt nhiệm vụ xây dựng đất nước để hình ảnh của Việt Nam luôn đẹp, những việc Việt Nam làm được bạn bè quốc tế cảm phục, ngưỡng mộ và ủng hộ. Đồng thời chúng ta phải làm tốt nghĩa vụ của mình đối với quốc tế, từ những việc nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn như ủng hộ khẩu trang, trang thiết bị bảo hộ phòng dịch Covid-19... đến việc cử cán bộ, chiến sĩ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở những quốc gia xa xôi, còn nhiều khó khăn.
Thứ ba là sự đoàn kết, đồng lòng, phối hợp nhuần nhuyễn giữa các lực lượng làm công tác đối ngoại cũng như các cơ quan, ban, ngành trong toàn bộ hệ thống chính trị để nội lực Việt Nam vững mạnh, thống nhất, đoàn kết nhất trí trong việc xử lý các vấn đề về đối ngoại. Khi có được sự đồng thuận cả trong nước và quốc tế thì lúc đó chúng ta có được sức mạnh to lớn.
Ban TTĐN