
Ảnh: Minh Dương
Tham dự Tọa đàm có Lãnh đạo Hội Việt - Mỹ; đại diện Ban Đối ngoại Trung ương, Hội cựu chiến binh Việt Nam, Hội nạn nhân da cam Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam; thành viên đoàn Cựu chiến binh vì Hòa bình; một số bạn bè Mỹ, đại diện của một số tổ chức NGO, doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam…
Tại buổi Tọa đàm, Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, đã hoan nghênh đoàn Cựu Chiến binh vì Hòa bình trở lại Việt Nam, có mặt tại buổi gặp gỡ để cùng chia sẻ mục đích chung là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau.
Ông Phùng Khắc Đăng chia sẻ: Sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều cựu binh Mỹ đã trở lại Việt Nam với mục đích hòa giải và hàn gắn vết thương chiến tranh. Họ đã có nhiều hoạt động có ý nghĩa với mong muốn để chia sẻ và giảm đi nỗi đau của người dân Việt Nam. Cựu binh Mỹ Goerge Mizo là điển hình, là người đã bắt đầu công việc đó bằng việc xây dựng Làng Hữu nghị Việt Nam và đến nay có nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức của Mỹ, các cá nhân khác ủng hộ và tiếp tục công việc này. Làng Hữu nghị Việt Nam là biểu tượng của tình hữu nghị giữa các nước.
Điều mà Hội Cựu chiến binh và nhiều cựu chiến binh Việt Nam quan tâm hiện nay đó là bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Đây là những tội nhân thầm lặng giết chết hàng ngàn dân thường Việt Nam sau chiến tranh.
Nhiều quân nhân Việt Nam đã hy sinh trong chiến tranh vẫn chưa được tìm thấy. Sau chiến tranh, Chính phủ Việt Nam đã làm việc với Chính phủ Mỹ để tìm kiếm những người lính mất tích trong chiến tranh. Hiện nay có nhiều người đã được tìm thấy nhưng vẫn còn đến hơn 300.000 quân nhân Việt Nam chưa được tìm thấy. Hội cựu chiến binh Việt Nam mong muốn đoàn vận động các cựu binh Mỹ khác cung cấp hay gửi lại những di vật để phía Việt Nam có thể tìm được thông tin về họ.
Thông điệp phía Việt Nam muốn gửi đến các thành viên của đoàn Cựu chiến binh vì Hòa bình tại Tọa đàm là: Mang danh là tổ chức hòa bình, chúng ta hãy mang đến hòa bình cho nhân dân trên thế giới.
Nhiều đại biểu của Cựu chiến binh vì Hòa bình bày tỏ niềm vui có mặt tại buổi Tọa đàm, được gặp lại những người bạn Việt Nam, đến với nhau vì hòa bình, hữu nghị hợp tác và cùng nhau tiếp tục công việc hòa giải, hàn gắn vết thương chiến tranh và giải quyết những vấn đề còn tồn tại sau chiến tranh. Các bạn Mỹ bày tỏ sự khâm phục đối với những người lính Việt Nam, những người cũng trải qua chiến tranh, đã và đang gánh chịu nhiều đau thương nhưng họ đã vượt qua điều đó và đã rất rộng lượng, bao dung đối với những cựu chiến binh Mỹ.
Kết thúc Tọa đàm, hai bên nhất trí rằng các cuộc tiếp xúc giữa cựu chiến binh hai nước như thế này đã giúp hai bên hiểu nhau hơn, giúp hai bên thấy được mong muốn, khát vọng của đối tác và nhất trí nên có thêm những cuộc tiếp xúc như thế này.
Buổi sáng cùng ngày, Chủ tịch Liên hiệp Vũ Xuân Hồng đã thân mật tiếp đoàn Cựu chiến binh vì Hòa bình. Tại buổi tiếp, Chủ tịch Hồng đã hoan nghênh đoàn các cựu chiến binh VFP vào thăm Việt Nam, tìm hiểu về đất nước con người Việt Nam, đồng thời cảm ơn các thành viên của VFP, cựu chiến binh và thân nhân đã có những đóng góp tích cực trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước trong những năm qua.
Ông Hồng đánh giá cao các hoạt động hữu nghị, nhân đạo của các thành viên VFP, đặc biệt là hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bom mìn, chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Những nỗ lực và chia sẻ của VFP đã làm giảm đi phần nào nỗi đau của những gia đình Việt Nam do chiến tranh để lại. Ông Hồng cũng bày tỏ lòng biết ơn sự ủng hộ nhiệt tình của VFP và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của VFP cũng như những người bạn lâu năm trong tổ chức cho Việt Nam.
Đoàn Cựu chiến binh vì Hòa bình (VFP) - Chi nhánh 160, Mỹ, do ông Chuck Searcy, Phó Chủ tịch và ông Chuck Palazzo, Tổng Thư ký VFP 160 tại Việt Nam, làm đồng Trưởng đoàn vào thăm Việt Nam từ ngày 14 - 30/3/2016 nhằm tìm hiểu lịch sử, đất nước, con người Việt Nam qua tham quan danh lam thắng cảnh, các địa điểm chiến trường xưa; gặp gỡ cựu chiến binh Việt Nam, thăm nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam, cơ sở chăm sóc nạn nhân chất độc da cam và một số địa điểm bị nhiễm chất độc da cam; làm việc với Hội nạn nhân chất độc da cam tại các địa phương như Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh; tìm hiểu về hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội Việt - Mỹ.
N. Yến