
Nỗ lực trong công tác rà phá bom mìn, vật liệu nổ.
Năm 1996, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trong cả nước được tiếp nhận các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế về công tác rà phá bom mìn, vật liệu nổ như: Peace Trees Vietnam (PTVN), MAG, RENEW/NPA, SODI/APOPO, CPI… Đến nay, sau 18 năm triển khai hoạt động này, ông có đánh giá gì về thực trạng cũng như những nỗ lực trong công tác rà phá bom mìn, vật liệu nổ tại địa phương?
Sau khi hòa bình lập lại, Quảng Trị là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của chiến tranh và là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích đất bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh. Với một tỉnh trên 80% dân số sinh sống chủ yếu dựa vào các hoạt động nông - lâm nghiệp, diện tích đất còn chưa an toàn do ô nhiễm bom mìn sẽ tác động lâu dài đến công cuộc xoá đói - giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh không chỉ ảnh hưởng đến phần lớn diện tích đất trên địa bàn tỉnh mà còn gây ra nhiều tai nạn thương tâm cho người dân tỉnh Quảng Trị. Theo số liệu thống kê của tổ chức RENEW phối hợp địa phương khảo sát, từ năm 1975 đến nay, tỉnh Quảng Trị có gần 7.100 nạn nhân bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Đặc biệt, trong tổng số nạn nhân bị tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra, nạn nhân là trẻ em chiếm đa số với trên 31%. Có thể nhận thấy, hậu quả bom mìn tác động nặng nề đến mỗi gia đình, cộng đồng và là một trong những nguyên nhân làm sự phát triển của tỉnh Quảng Trị bị chậm lại.
Từ năm 1996, Quảng Trị là địa phương đầu tiên trong cả nước được Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm chương trình hợp tác rà phá bom mìn nhân đạo với các tổ chức quốc tế, dự án hợp tác đầu tiên với tổ chức Cây Hoà bình Việt Nam/Hoa Kỳ. Ngoài ra còn có các tổ chức khác như: MAG/Vương quốc Anh, NPA/Na Uy, Dự án Renew, CPI/Hoa Kỳ, SODI/CHLB Đức, APOPO/Bỉ…
Nhìn lại chặng đường gần 18 năm hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, chúng tôi vui mừng nhận thấy những kết quả đã đạt được là khá tích cực: Thứ nhất là các hoạt động rà phá bom mìn, giải phóng đất đai đã tạo điều kiện cho nhân dân yên tâm sản xuất, tái định cư, đảm bảo an toàn cho các công trình. Tỷ lệ tai nạn do bom mìn đã giảm đáng kể, từ 231 vụ (giai đoạn 2003-2007) xuống còn 88 vụ (giai đoạn 2008-2012). Thứ hai là một số lượng lớn bom mìn và vật liệu nổ đã được phát hiện và phá hủy an toàn. Tính đến tháng 8/2014, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã giúp tỉnh Quảng Trị rà phá được 8.273 ha; phá hủy 545.327 bom mìn và vật liệu nổ. Thứ ba là nhận thức của người dân tỉnh Quảng Trị về bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ngày càng được nâng cao, qua đó giúp giảm thiểu số tai nạn bom mìn qua các năm. Thứ tư là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đội rà phá bom mìn lưu động và người dân, địa phương thông qua việc cung cấp thông tin, làm cho việc xử lý bom mìn, giải phóng đất đai nhanh hơn để phục vụ đời sống, sinh kế của nhân dân.
Xác định công tác rà phá bom mìn, vật liệu nổ là lĩnh vực đặc biệt nguy hiểm. Vậy những năm qua, tỉnh đã có sự quan tâm về: trang bị kỹ thuật, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ…cho những nhân viên thực hiện nhiệm vụ này ra sao, thưa ông?
Hoạt động rà phá bom mìn là công việc cần đến chuyên môn kỹ thuật, kỷ luật và áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế về hoạt động bom mìn kể cả các hoạt động ứng dụng kỹ thuật nâng cao nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong lĩnh vực này. Để đảm bảo các yêu cầu đó, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện các việc sau:
Về trang thiết bị rà phá bom mìn và bảo hộ: Với sự hướng dẫn của Bộ Quốc phòng và các đơn vị chuyên môn của Bộ như: BOMICEN, VBMAC. UBND tỉnh đã làm việc với các tổ chức quốc tế yêu cầu phải thực hiện việc cung cấp các thiết bị rà phá hiện đại nhất của quốc tế. Đơn vị tài trợ thường xuyên cập nhật thông tin cho các nhà sản xuất để điều chỉnh các thiết bị rà phá phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu Quảng Trị. Các đơn vị sử dụng thiết bị bảo hộ như: áo giáp, mũ, quần áo bảo hộ đạt tiêu chuẩn quốc tế và thường xuyên được thay thế, đảm bảo an toàn và tiện dụng cho nhân viên rà phá.
Về đào tạo: Toàn bộ các nhân viên rà phá bom mìn đều được các chuyên gia Quốc tế chuyên về hoạt động bom mìn như GWHF (Hoa Kỳ), GICHD (Thụy Sỹ), NPA (Na Uy) đào tạo để ứng dụng những công nghệ và kỹ thuật tiên tiến. Các hoạt động hợp tác quốc tế về thiết bị rà phá, y tế, tập huấn kỹ thuật ban đầu và thường xuyên, kỹ thuật cấp cứu hiện trường, chuyển giao công nghệ rà phá bom mìn nâng cao của các tổ chức nước ngoài đều được tỉnh quan tâm chỉ đạo hợp tác mật thiết với nhân sự chuyên môn nước ngoài và có sự phối hợp của các cơ quan trung ương và cơ quan quân đội địa phương…
Tại các dự án Cây Hoà bình Việt Nam, MAG, NPA đều có các sỹ quan công binh BCH Quân sự tỉnh cùng giám sát chất lượng và trao đổi nâng cao kỹ thuật rà phá và đảm bảo cao nhất yêu cầu về kỹ thuật trọng lĩnh vực này.
Thưa ông, để hạn chế những rủi ro đáng tiếc xảy ra, Quảng Trị đã cùng phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức quốc tế đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về phòng tránh bom mìn cũng như hỗ trợ người dân ổn định phát triển kinh tế như thế nào?
Công tác giáo dục phòng tránh bom mìn cũng được đăc biệt coi trọng và xác định đây là hoạt động góp phần giảm tỷ lệ tai nạn bom mìn. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài như CRS/Hoa Kỳ, SODI/Đức, NPA/Nauy đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể như Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn… tổ chức các hoạt động giáo dục nhận thức bom mìn cho trên 150.000 lượt người, trong đó có trên 100.000 lượt em học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở được tiếp cận với các kiến thức cơ bản về phòng tránh tai nạn bom mìn. Trên phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh cũng thường xuyên có những bản tin và những thông tin cần thiết để tuyên truyền nâng cao nhạn thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho người dân.
Ngoài việc hợp tác rà phá bom mìn nhân đạo, các tổ chức quốc tế còn phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương hỗ trợ phát triển kinh tế tại các khu vực đã hoàn thành rà phá bom mìn thông qua việc xây dựng hạ tầng cơ sở như: Trường học, trạm y tế, thư viện, đường liên thôn, các công trình thủy lợi nhỏ. Việc hỗ trợ phát triển sau rà phá đã đạt được các kết quả sau:
Tái định cư tại các vùng đất đã hoàn thành việc rà phá bom mìn: Các tổ chức SODI, Cây Hoà bình Việt Nam, MAG đã giúp xây dựng 05 làng để tái định cư trên 412 gia đình tại các vùng đất do các tổ chức trên đã hoàn thành việc rà phá bom mìn. Các làng tái định cư được giúp đỡ xây dựng hoàn chỉnh về mặt hạ tầng như: Đường, điện, nước sạch, hội trường, nhà mẫu giáo. Ngoài ra mỗi gia đình còn được hỗ trợ tiền làm nhà, làm vườn và tín dụng nhỏ. Tổng kinh phí cho hợp phần này là trên 1,2 triệu đô la.
Chương trình hỗ trợ phát triển sau rà phá bom mìn: Các tổ chức SODI, MAG, Cây Hoà bình Việt Nam, Renew và CPI đã giúp xây dựng 04 trường Tiểu học và Trung học cơ sở, 13 trường mẫu giáo, 12 thư viện phụ nữ, 01 trụ sở làm việc cho Hội người mù. Ngoài ra, còn giúp sửa chữa nhiều hệ thống kênh mương, đường liên thôn, hệ thống điện, trường học. Đặc biệt, tổ chức SODI đã giúp xây dựng 03 Trường Mẫu giáo, 02 trường THCS đạt chuẩn quốc gia. Tổng kinh phí 1,432 triệu đô la.
Chương trình giúp đỡ nạn nhân bom mìn, chất độc da cam: Tổ chức Renew tài trợ trên 1,4 triệu đô la cho việc giúp đỡ các gia đình nạn nhân chiến tranh sản xuất nấm; SODI giúp xây dựng 332 nhà cùng với khoản tín dụng 03 triệu đồng/hộ cho các nạn nhân chất độc da cam, bom mìn. Tổ chức CPI, Cây Hoà Bình Việt Nam hỗ trợ kinh phí chăm sóc y tế cho các nạn nhân bom mìn, học bổng, tín dung nhỏ...Tổng kinh phí cho hợp phần này là trên 02 triệu đô la.
Theo ước tính của Bộ Quốc phòng, với tốc độ rà phá như hiện nay, phải mất 300 năm nữa Quảng Trị mới hoàn thành việc xử lý ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tính mạng, hoạt động sản xuất cũng như đời sống người dân. Vậy khó khăn ông muốn chia sẻ là gì và theo ông thì Quảng Trị cần sự hỗ trợ nào của Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ…?
Từ năm 2006, Liên hợp quốc đã chọn ngày 4/4 hàng năm là Ngày quốc tế nâng cao nhận thức phòng, tránh bom mìn. Điều đó cho thấy khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà còn là vấn đề mang tính quốc tế. Đối với tỉnh Quảng Trị, vấn đề đặt ra là làm sao để nâng cao năng lực và huy động nhiều nguồn lực để tăng tốc độ rà phá bom mìn trở thành một thách thức và đặt ra trách nhiệm cho Chính quyền và là mong ước của người dân Quảng Trị. Vì vậy, trong thời gian tới, Quảng Trị mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ của Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh tại địa phương.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành “Chương trình quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” do vậy đề nghị Chính phủ và các Bộ, ban ngành Trung ương phân bổ nguồn vốn và phân cấp cho địa phương trong việc sử dụng nguồn vốn này cho các hoạt động rà phá tại địa phương, kể cả vốn đóng góp vào các chương trình rà phá bom mìn nhân đạo như: Chi phí nhân công, thuốc nổ, công tác điều phối, thông tin liên lạc, thu thập dữ liệu, phân tích...
Chia sẻ các thông tin và dữ liệu khảo sát về ô nhiễm bom mìn đối với các địa phương, đặc biệt là hỗ trợ giới thiệu cho các địa phương tiếp cận với các nhà tài trợ, các tổ chức nhân đạo trong và ngoài nước nhằm thu hút nguồn lực nâng cao hiệu quả thực hiện các dự án.
Đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài: Các tổ chức NGO cần phối hợp với địa phương hoạch định chiến lược khắc phục hậu quả sau chiến tranh bom mìn với tầm nhìn dài hạn vì sự phát triển bền vững để cùng phối hợp đàm phán với các nhà tài trợ. Chú trọng công tác nâng cao năng lực cho nhân viên Việt Nam nhằm từng bước chuyển giao quyền quản lý, thực hiện cho phía Việt Nam theo hướng: Các tổ chức PCPNN tài trợ kinh phí và giám sát, đối tác Việt Nam quản lý và thực hiện.
Trân trọng cám ơn ông!
Hiếu Trung - TC Hữu nghị