Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm hỏi ông Boby Muller, cựu binh Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ảnh: tác giả Phạm Cao Phong chụp năm 1995, tại Newyork. |
Lỡ làng
Có lẽ một trong những hảo ý bang giao trong sáng, sớm nhất của nước ngoài đem đến Việt Nam chính là từ nước Mỹ. Lịch sử Việt Nam ghi: Năm 1832 Tổng thống Andrew Jackson gửi tới vua Minh Mạng bức thư đề nghị đặt quan hệ thương mại với Việt Nam xây dựng nền tảng ngoại giao lâu dài. Ông Edmund Roberts phái Bộ ngoại giao Mỹ đưa đến bằng con tàu mang tên Peacock. Vua Minh Mạng giao cho Ngoại lang Nguyễn Tri Phương đón tiếp. Sự khác biệt tập quán, nghi lễ giao tiếp và có một phần sự vô duyên của lịch sử đã khiến Ngoại lang Nguyễn Tri Phương không neo được con tàu Peacock.
13 năm sau, năm 1845 con tàu mang tên Constitution của Hoa Kỳ do thuyền trưởng John Percival chỉ huy cập cảng Đà Nẵng. Tại đây đã xảy ra một vụ đụng độ ngoài ý muốn giữa binh lính hai bên khiến mục đích bang giao tan vỡ.
Nhiệm kỳ tổng thống Mỹ tiếp theo là Zachary Taylor đã viết thư xin lỗi vua Tự Đức về sự cố năm 1845. Rất tiếc, vua Tự Đức còn bất mãn với sự vụ từ thời Thiệu Trị. Cơ hội Việt – Mỹ xích lại gần nhau lại mất.
Nhưng chưa thể tuyệt tình. Đầu thập kỷ 70 thế kỷ XIX, thực dân Pháp lộ rõ tham vọng thôn tính Việt Nam. Vua Tự Đức cần một người bạn lớn sát cánh và ông muốn tìm đến “người cũ” từ bên kia Thái Bình Dương. Trọng thần Bùi Viện được Vua chọn làm sứ thần sang Mỹ. Qua nhiều sóng gió lênh đênh, Bùi Viện đến Mỹ và gặp được tổng thống Ulysses Grant (nhiệm kỳ1868 – 1876). Tuy nhiên, do cung cách ngoại giao phong kiến, Bùi Viện không có những văn bản cần thiết để người Mỹ có thể ký những cam kết giấy trắng mực đen. Bùi Viện trở về Việt Nam. Hai năm sau, Bùi Viện quay lại Mỹ với đủ “hồ sơ, thủ tục” trong tay. Tiếc thay, con tạo xoay vần, Mỹ - Pháp đã bắt tay nhau, thỏa thuận ăn chia trong các ván bài khác. Pháp thì muốn xâm lược Việt Nam. Mỹ không thể vì một Việt Nam diệu vợi mà quay lưng lại với những gì đã cam kết với Pháp. Mối “thiên duyên” thêm một lần bẽ bàng, dang dở.
Những “đêm trăng” ở Tân Trào
Nhưng có lẽ thú vị nhất là câu chuyện tình giữa “cô gái Việt Minh” thơ ngây, hồn nhiên và “anh chàng” cao bồi viễn Tây phong sương, mạnh mẽ diễn ra tại Tân Trào, căn cứ địa Việt Minh hồi thập kỷ 40 thế kỷ trước. Hồ Chí Minh vừa là bà mối vừa là mẹ cô dâu đã thể hiện một tầm nhìn sâu rộng và một nghệ thuật đối ngoại cực kỳ tài tình đã viết nên một kỷ niệm đẹp trong quan hệ Việt-Mỹ.
Chiến tranh thế giới II bùng nổ. Lực lượng đồng minh được thành lập để chống phe Phát xít. Hồ Chí Minh nhận thấy cơ hội giải phóng dân tộc hiển hiện nếu mượn được sức mạnh đồng minh. Từ 1941, Người đã tìm nhiều cách để liên lạc với các lực lượng Mỹ. Ông chỉ thị cho Việt Minh ở chiến khu Việt Bắc phải chú ý giúp đỡ những phi công Mỹ bị pháo phòng không Nhật bắn rơi. Ông còn tự tay viết bài báo có tranh minh họa hướng dẫn cách cứu phi công Mỹ nhảy dù. Khắp Việt Bắc lúc đó gần như ai cũng thuộc một câu huấn thị của Hồ Chí Minh dưới dạng ca dao: “Bộ đội Mỹ là bạn của ta. Cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh…”.
Sự kiện rất tiêu biểu là đầu năm 1945 máy bay của trung uý phi công Mỹ Shaw bị Nhật bắn rơi. Shaw được Việt Minh cứu và đưa đến gặp cụ Hồ. Sau đó, chính Hồ Chí Minh đã dẫn Shaw sang Côn Minh và tận tay trao lại cho tướng Chennault, tư lệnh Sư đoàn không quân 14 “Hổ bay” của Mỹ. Chennault tiếp Hồ Chí Minh và hai bên đã đặt quan hệ hợp tác chống Nhật. Bác Hồ đã có cơ hội giới thiệu về Việt Minh với tinh thần dân tộc đầy khao khát độc lập, hòa bình và hợp tác. Thể hiện thịnh tình, tướng Chennault hỏi Việt Minh cần hỗ trợ gì để kháng Nhật? Bác Hồ đề nghị viên tướng tặng mình một tấm ảnh kỷ niệm. Tướng Chennault tặng Hồ Chí Minh tấm ảnh chân dung của mình với lời đề tặng “Tặng Hồ Chí Minh, người bạn chân thành của tôi”. Tấm ảnh đó đã trở thành giấy thông hành vô giá. Nó giúp Bác tìm kiếm nhiều sự hỗ trợ của quân đội Mỹ lúc đó.
Ngay sau đó Việt Nam đã đón tiếp một đơn vị thuộc lực lượng OSS tại Tân Trào. Đơn vị mang tên Con nai ( Dear Team) đến huấn luyện quân đội Việt Minh cách dùng vũ khí Mỹ và giữ liên lạc với đồng minh ở Côn Minh. Tại Nà Lừa, Tân Trào, bên cạnh lán của Hồ Chí Minh, có một lán dành riêng cho những chiến sỹ đồng minh như K.Thomas, F.Tan, D.Phelan, Zielski, H.Prunier, P.Hoagland, Mạc Sin… Ngày nay, địa điểm đó vẫn được bảo tồn như một kỷ niệm đẹp đẽ của mối quan hệ Việt - Mỹ.
Đại đội Liên quân Việt-Mỹ được thành lập bởi Đại đội trưởng Đàm Quang Trung, sau này là Thượng tướng của quân đội Việt Nam đã lập chiến công xuất sắc.
Ngay sau ngày Quốc khánh, tổ chức đối ngoại nhân dân đầu tiên được người thành lập chính là Hội Việt Mỹ thân hữu... Tổ chức này 70 năm qua đã làm hạt nhân, nòng cốt xây dựng tình hữu nghị nhân dân hai nước trong tất cả mọi hoàn cảnh lịch sử... Bác Hồ và các bạn Mỹ lúc đó đã soạn thảo kế hoạch và qua họ gửi các bức thư đề nghị Mỹ công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xây dựng quan hệ ngoại giao hai nước gửi Tổng thống Mỹ. Nhưng tâm nguyện của những người Việt và Mỹ ở Việt Bắc lúc đó đã không chuyển được thành chính sách đối ngoại của chính phủ Mỹ ngay sau khi thực dân Pháp tái chiếm Việt Nam. Tình hữu nghị, hòa bình của nhân dân hai nước một lần nữa lại bị đánh rơi. Năm 1995, sau đúng nửa thế kỷ, Hội Việt-Mỹ đã mời những người bạn Mỹ ngày đó sang Thủ đô Hà Nội gặp lại những bạn Việt Nam của họ. Ai cũng nhận thấy rằng nếu ngày đó, thông điệp hòa bình, hữu nghị hợp tác của Hồ Chí Minh được lãnh đạo Mỹ đáp ứng, hai nước đã không phải trải qua cuộc chiến tranh thảm khốc và quan hệ Việt-Mỹ đã có thể theo một hướng khác.
Việt - Mỹ thân hữu hội là tổ chức nhân dân đầu tiên được thành lập, tiền thân Hội Việt - Mỹ ngày nay |
Vàng thử lửa
Sau khi người Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ, người Mỹ lại hướng về miền đất nhiều duyên nợ Việt Nam. Tiếc rằng sự trở lại này lại là oan nghiệt và cay đắng nhất trong lịch sử thế kỷ 20 của cả hai dân tộc. 20 năm, chính phủ Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Hàng triệu gia đình tan nát. Hàng vạn nấm mồ vùi lấp tuổi thanh xuân của cả hai phía. Đây được xem một trong những là sai lầm lớn nhất của lịch sử nước Mỹ. Thế nhưng, cũng chính 20 năm tang thương máu lửa ấy, trái tim của những người bạn Mỹ yêu hòa bình, trân trọng giá trị sống và đặc biệt là có tình yêu cháy bỏng với Việt Nam lại chói chang, rực rỡ chưa từng có trong lịch sử loài người.
Trong cuộc kháng chiến của Việt Nam, nhân dân yêu hòa bình, yêu Việt Nam ở Mỹ đã lập nên những phong trào phản chiến cực kỳ mạnh mẽ. 20 năm quân dân Việt Nam chiến đấu bảo vệ quê hương thì cũng 20 năm ấy chúng ta nghe thấy tiếng vang vọng của bạn bè tung hô Việt Nam từ Lầu Năm góc đến khắp phố xá, làng mạc Mỹ. Biểu tình, bãi khóa, bãi công, tuần hành, gửi thư, lập hội, viết báo... phản chiến. Nhiều công dân Mỹ đã lấy thân mình đốt thành đuốc sáng để được chia sẻ những đau thương, mất mát cũng như tỏ lòng ngưỡng mộ Việt Nam... Hòa bình được lập lại, ở Việt Nam, người Việt Nam không thể quên có một phần đóng góp bằng xương máu và nước mắt cùng sự đồng cảm của triệu triệu trái tim nhân dân Mỹ đã góp cùng ta.
Sau chiến tranh lại là những năm tháng cừu thù, bao vây, cấm vận của chính phủ Mỹ với Việt Nam. Rất nhiều tổ chức nhân dân Mỹ lại thêm 20 năm nữa tận tình tháo gỡ xóa bỏ xích xiềng của chính sách hà khắc này. Hàng trăm sứ giả hòa bình , mà điển hình nhất là các cựu binh đã vận động dư luận, chính sách, quyên góp tiền của, trang thiết bị... ủng hộ Việt Nam. Những người lính từng bị thương, những bà mẹ mất con, người vợ mất chồng ở chiến trường Việt Nam, nay trở lại làm những nhà từ tâm, những nhà vận động chính sách cho Việt Nam, thật đáng trân trọng.
Đó là nghị sĩ, phi công bị bắn rơi ở Hà Nội như John Mc Cain. Bao năm tháng qua và cho đến tận hôm nay vẫn không ngừng làm những gì có thể cho quan hệ Việt Nam - Hoa kỳ. Người lính bị trọng thương tàn phế suốt đời ở Quảng Trị như Bobby Muller, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tham chiến ở Việt Nam đã ngồi xe lăn gần 50 năm qua để lăn đi khắp nơi tìm kiếm những gì tốt nhất cho Việt Nam. Ông là một trong những người Mỹ đầu tiên trở lại Việt Nam để sám hối, để yêu thương và hòa giải. Đó là hai người phụ nữ; một là mẹ, một là chị với người con, người em, người đàn ông duy nhất của họ đã chết ở chiến trường Việt Nam. Nhưng thay vì đau đớn, thù hận thì họ đã tìm đến những bà mẹ, bà vợ mất chồng con khác ở Mỹ lập một tổ chức mang tên “Cây hòa bình” để rà, phá bom mìn, trồng lên trên mảnh đất đau thương hình chữ S những mầm xanh an lành, yêu thương, tha thứ. Nếu như nửa thế kỷ trước, số phận của lịch sử đã khiến họ chĩa súng vào nhau, thì hôm nay, những người lính già, trên gương mặt hằn lên nỗi đau trận mạc lại cần mẫn, lần mò đào bới từng gốc cây, ngọn cỏ để tìm hài cốt kẻ tử thù xưa để xoa dịu nỗi đau của chính mình. Đó là chương trình quân nhân Việt- Mỹ cùng giúp nhau tìm hài cốt quân nhân hai bên đã được triển khai từ rất sớm. Phía Mỹ đã giúp Việt Nam hàng triệu thông tin tư liệu để tìm hài cốt liệt sĩ Giải phóng quân. Nhiều đoàn cựu binh của họ đã đồng hành với phía Việt Nam xuyên vạn dặm rừng tìm từng nấm đất, dấu chân. Việc cựu chiến binh hai bên hợp tác với nhau giải quyết hậu quả chiến tranh đã góp phần quan trọng cho quan hệ Việt-Mỹ bình thường trở lại. Tới đây, nhằm trợ giúp tâm nguyện hai bên Việt- Mỹ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ tổ chức các cuộc gặp gỡ giao lưu cho thế hệ những người con mất cha ở chiến trường xưa, sẽ có nhiều hơn sự giao hòa tâm khảm để tình yêu và những điều nhân bản tốt đẹp được nhân lên.
Hơn 20 năm qua, với giá trị hàng tỷ USD, đã có nhiều cây cầu, ngôi trường, bệnh xá, thuốc men, cuốn vở... được các bạn bè là các cá nhân, tổ chức phi chính phủ khắp 5 châu viện trợ cho nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, xóa đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai. Trong đó, sớm nhất, nhiều nhất và rất thành tâm chính là các tổ chức của nhân dân Mỹ. VVAF, VVA, AP, Operation Smiles, Plan... là những tổ chức phi chính phủ Mỹ, không chỉ đem đến Việt Nam những khoản viện trợ vật chất quý báu, mà họ còn là những sứ giả hòa bình đến Việt Nam ngay từ khi những nỗi đau và thù hận chiến tranh chưa kịp nguôi ngoai để thay đổi hình ảnh nước Mỹ trong nhân dân Việt Nam. Họ đến để đem văn hóa, tư tưởng hòa bình của Việt Nam về Mỹ. Đến để đem trái tim đầy khắc khoải từ Mỹ mong được nhân dân Việt Nam thứ tha. Họ đã nỗ lực không ngừng nghỉ để làm vơi đi mất mát chiến tranh, vun đắp cho tình hữu nghị hai bên và đặc biệt để tiến trình hòa hợp của hai dân tộc sớm được ra đời.
Cho một ngày mai
Nếu tính từ ngày Quốc thư của Tổng thống Mỹ Andrew Jackson gửi vua Minh Mạng Việt Nam tới nay đã gần 200 năm. Chừng ấy thời gian, dường như Việt Nam và Mỹ chưa từng thôi suy nghĩ về nhau ở các cấp độ lòng dân hoặc chính giới.
Cay đắng và mất mát đã nhiều hơn yêu thương và tương trợ. Mặc dù rằng, từ sâu thẳm ý nguyện nhân dân đôi bên luôn muốn mang đến cho nhau tình bằng hữu chân thành, tích cực. Tình cảm của nhân dân Mỹ yêu Việt Nam ngay cả những ngày thảm khốc nhất đã như vàng thử lửa. Và nhân dân Việt Nam đã thể hiện đức bao dung, thứ tha và sự cảm thông lớn nhất tới nhân dân Mỹ. Kể cả với những người đã từng tham chiến ở Việt Nam.
Đây chính là cơ hội để nhân dân Việt- Mỹ cần chắt lọc ở đau thương quá khứ, cần chân thành ở những trăn trở, toan tính thực tại để cùng nhau xây dựng một ngày mai hữu nghị, hòa bình thực chất hơn, hữu ích hơn.
Có rất nhiều cựu binh Mỹ như Matthew Keenan (áo cam) quay trở lại Việt Nam để "chữa lành vết thương chiến tranh" |
Việc đầu tiên cần hơn hết là cùng nhau chữa lành vết thương chiến tranh. Ở Việt Nam, hơn 3 triệu nạn nhân da cam vẫn đang ngày đêm đau đớn. Hàng vạn nạn nhân cùng rất nhiều cánh đồng, làng mạc cần hỗ trợ và làm sạch bom mìn còn sót lại. Cả hai bên đều còn nhiều những gia đình day dứt vì thân nhân còn vùi xương cốt ở chiến trường chưa đem về được. Nhân dân Việt Nam đã mất rất nhiều máu xương để có được những năm tháng hòa bình, nay đang chắt chiu từng ngày để xây dựng, hội nhập và phát triển một cách lành mạnh, đàng hoàng. Việt Nam rất cần sự ủng hộ và hợp tác chân thành của bạn bè quốc tế, trong đó có Mỹ…
Tuy nhiên, phía trước cũng không ít chông gai. Bởi, cách xa nhau nửa bán cầu. Lớn lên cùng những quá khứ đầy buồn thương cùng sống trong một hiện tại không ít những thị phi, rẽ chia, ngăn cách. Những khác biệt về quan niệm văn hóa, hệ giá trị sống như tôn giáo, nhân quyền, dân chủ... như những bóng ma ám ảnh mối lương duyên thật đáng làm tiếc.
Nhưng nếu chúng ta nhận thấy rằng tại Mỹ, có những ngọn đuốc sống đốt cháy thân mình để bảo vệ hòa bình. Có những thân thể ngồi xe lăn rong ruổi suốt kiếp người để ủng hộ Việt Nam. Có những giọt nước mắt và nỗi đau thắt quặn giữa rừng già khi tìm lại hài cốt kẻ thù xưa như tìm lại chính ruột thịt của mình… Và tại Việt Nam, có những tấm lòng bao dung của người mẹ mất đi hàng chục đứa con vì bom đạn; những em bé bị chiến tranh ngắt đi bàn tay, tắt đi đôi mắt cũng vẫn mở lòng hữu nghị, khoan dung. Những nghĩa địa mênh mang tang tóc cả dặm dài đã quên oán thù, chỉ cầu chúc cho một ngày mai an vui, tươi sáng… thì lại thấy những ngăn trở đó không còn đáng ngại. Hành trang quan trọng nhất để chúng ta đến được với ánh lấp lánh của tình bạn trong tương lai đã có đủ rồi. Có lẽ cần thêm chính là lòng chân thành, tin tưởng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau để một “câu chuyện tình huyết lệ” thực sự có hậu và theo tâm nguyện của nhân dân.
Vũ Xuân Hồng – Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
Tổng hợp theo thoidai