Tham dự Hội nghị có 86 đại biểu quốc tế đến từ 21 quốc gia và 03 tổ chức quốc tế gồm Đại sứ và đại diện các tổ chức hòa bình các nước cùng hàng vạn đại biểu Nhật Bản. Tổng thống Abe Shinzo đã đến dự và phát biểu tại Lễ tưởng niệm các nạn nhân bom nguyên tử (Hibakusha) tại Công viên Hòa bình, Hiroshima. Thư của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc đã được trình bày tại Lễ tưởng niệm này.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước ta Nguyễn Phú Trọng đã gửi điện chúc mừng Hội nghị, thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn của các nước về vấn đề này.
Hội nghị tập trung thảo luận hoạt động của phong trào hòa bình phản đối vũ khí hạt nhân vào năm 2020 hướng tới kỷ niệm 75 năm kể từ khi hai thành phố Hiroshima và Nagasaki bị ném bom nguyên tử; 50 năm thông qua Hiệp ước không Phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) và tổ chức Hội nghị Kiểm điểm Hiệp ước NPT tại New York.
Các đại biểu phát biểu nhấn mạnh ý nghĩa của việc 70 quốc gia đã ký và 25 quốc gia đã thông qua Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) sau hai năm Hiệp ước này được thông qua tại Liên hợp quốc, những tiến triển gần đây trên bán đảo Triều Tiên là những tín hiệu tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực phức tạp. Tuy nhiên, các đại biểu bày tỏ quan ngại về việc các quốc gia tăng chi phí cho quân sự, những căng thẳng gia tăng do tranh chấp chủ quyền trên biển và trên đất liền giữa các quốc gia đang đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của người dân, nơi mà các tranh chấp và mâu thuẫn phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị, đoàn đại biểu của Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã bày tỏ tình đoàn kết với nạn nhân bom nguyên tử; kêu gọi ủng hộ cuộc đấu tranh vì công lý của nạn nhân nguyên tử và nạn nhân da cam; qua đó cần tăng cường hơn nữa sự kết nối giữa các phong trào hòa bình trên thế giới; tiến hành các chiến dịch phản đối các chính sách và hành động vi phạm chủ quyền các quốc gia, không tuân thủ luật pháp quốc tế bởi một số cường quốc, đe dọa hòa bình khu vực và quốc tế và an ninh con người và thúc đẩy giáo dục hòa bình, đặc biệt là cho các thế hệ trẻ. Đại diện đoàn khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục chung tay với các tổ chức, các cá nhân hoạt động hòa bình trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì một thế giới hòa bình, không có vũ khí hạt nhân.
Hội nghị đã ra Tuyên bố cuối cùng, trong đó kêu gọi các hoạt động phong trào hòa bình quốc tế nhằm phản đối vũ khí hạt nhân với sự tham gia của nhiều nước trên thế giới trong thời gian diễn ra Hội nghị Kiểm điểm Hiệp ước NPT tại New York vào năm 2020 như các chương trình chia sẻ của nạn nhân Hibakusha, triển lãm ảnh về sự phá hủy của bom nguyên tử, đặc biệt chiến dịch thu thập chữ ký trên toàn thế giới ủng hộ lời kêu gọi của nạn nhân nguyên tử…. Tuyên bố cũng kêu gọi sự ủng hộ các nạn nhân nguyên tử, nạn nhân chất độc da cam, nạn nhân vũ khí hóa học và nạn nhân chiến tranh khác; tăng cường giáo dục hòa bình cho thế hệ trẻ cũng như gắn kết sự tham gia của thế hệ vào các hoạt động hòa bình xóa bỏ vũ khí hạt nhân; kêu gọi giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phá bỏ các căn cứ quân sự trên toàn thế giới; cắt giảm chi tiêu quân sự và kêu gọi bảo vệ môi trường, an ninh xã hội, bình đẳng giới, đảm bảo quyền con người và thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Liên Hương