Hồi học năm thứ 2, sinh viên Trường Thú y chúng tôi vẫn lên lớp học lý thuyết vào buổi sáng, buổi chiều thì thực tập ở phòng thí nghiệm. Giữa hai buổi học chúng tôi thường chỉ được nghỉ vẻn vẹn một tiếng để ăn trưa. Hiềm một nỗi, Trường Thú y lúc đó không có căng tin, nhà hàng ăn uống nào cả. Nếu về Nuevo Vedado, nơi sinh viên Việt Nam ở thì không kịp, ra đường Ayesteran cũng khá xa … mà có tìm được thì toàn hàng quán cao cấp, tiền đâu ra mà ngày nào cũng ăn....
Viết đến đây, trong tôi lại trào dâng một kỷ niệm tuyệt vời, xúc động đã diễn ra vào một buổi trưa, trong đó tôi vừa là nhân chứng, vừa là nhân vật chính trong cuộc. Với tôi, có lẽ chỉ xảy ra một lần duy nhất trong đời. Và ngay lúc này đây, tôi cứ nghĩ nếu không chia sẻ cùng mọi người thì quả là một điều đáng tiếc và day dứt vô cùng, cho dù khoảnh khắc đó chỉ diễn ra trong vòng một giờ đồng hồ của buổi trưa hôm ấy thôi. Chính xác hơn thì chỉ là ba mươi phút là cùng.
Hình ảnh những nữ sinh viên Việt Nam học Trường Thú y tại Cuba năm 1967-1968. |
Trưa hôm đó, cũng giống như những buổi trưa các ngày có lớp khác, hai đứa chúng tôi, bạn Trần Thiên Thương và tôi sang căng tin Trường Nông nghiệp ăn trưa. Xong việc, cả hai cùng nhanh chân quay về trường cho kịp giờ lên lớp ở phòng thí nghiệm buổi chiều. Gọi là bữa ăn trưa cho lịch sự nhưng thực ra chỉ là một kẹp bánh mỳ, một cái perro caliente, một hộp sữa chua, đủ năng lượng cho bốn tiết học còn lại.
Đang rảo bước về trường, hai đứa đang tíu ta tíu tít chuyện trò với nhau, chúng tôi đã đến chỗ ngã năm, ngã sáu gì đó, giao lộ giữa các con đường lớn, như Avenida de los Molinos, Carlos Tercera, Ayesteran… là nơi mà chúng tôi đã không ngờ sẽ được gặp Fidel.
Đó là một cuộc gặp gỡ thật đặc biệt. Đặc biệt bởi lẽ nó diễn ra quá bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Không phải gặp Người ở một hội trường, một buổi mít tinh hay một sự kiện chính trị nào đó, mà ở ngay ngã ba đường! Thật khó có thể tin nổi là nó đã xảy ra đầy xúc động như thế. Những hình ảnh, giọng nói, cử chỉ thân tình của Người dành cho chúng tôi lúc đó đã nói lên tất cả. Nói rộng ra, đó cũng là tình cảm của Người dành cho nhân dân Việt Nam.
Quả thật, chúng tôi là những người may mắn, hãnh diện, vì ít nhất trong đời đã từng một lần được gặp Fidel bằng xương bằng thịt, được bắt tay, nói chuyện cởi mở với Người như thể được gặp người thân thiết nhất của mình...
Chỉ ba mươi phút ngắn ngủi nhưng đã đọng lại trong tôi một cảm xúc nguyên vẹn cho đến tận bây giờ. Đứng bên Người, tôi đã kịp nhận ra một sự tương phản đến kinh ngạc. Bên cạnh diện mạo oai nghiêm là một sự giản dị và cởi mở... Trên cả một vị Tư lệnh tối cao là một người cha, người chú gần gũi, thân thiện…
Lúc đó, cỡ chừng 12 rưỡi trưa, hai chiếc xe jeep nhà binh chạy trên đại lộ, gặp đèn đỏ đều dừng lại chờ. Đúng rồi, đúng Fidel rồi. Thật bất ngờ, nhưng chúng tôi đã nhận ra Fidel đang ngồi trên chiếc xe đi đầu. Như phản xạ không điều kiện, cả hai chúng tôi cùng hô to gọi tên Người:
- Fidel, Fidel, Fidel...
Nói là hô chứ thực ra là chúng tôi đã hét lên thì đúng hơn, ngay trên hè đường, điểm giao lộ đó. Ngay giữa khoảng không rộng lớn, chúng tôi đã hét to như chưa bao giờ được hét như thế. Thực ra, thấp bé nhẹ cân như chúng tôi thì hét đâu to được, tuy nhiên, cũng đủ lớn để những bạn Cuba đứng gần đấy giật mình, mắt tròn, mắt dẹt nhìn chúng tôi ... và chắc hẳn tiếng gọi của chúng tôi, Fidel cũng đã nghe được. Có lẽ, Người chưa thể biết được điều gì sẽ xảy ra nhưng đã mỉm cười và hướng ánh mắt về phía chúng tôi. Fidel vẫn mặc bộ đồ quân phục mầu oliu quen thuộc, đầu đội mũ vải quân đội, thắt lưng da rộng đeo khẩu súng lục trong bao da nhẵn bóng. Cũng không cần biết điều gì sẽ đến cả, dù ngồi sau xe Người là các chiến sĩ bảo vệ cùng những cặp mắt sáng, linh hoạt quan sát mọi hành động, cử chỉ của chúng tôi, như "điếc không sợ súng", chúng tôi tiếp tục vừa hét gọi tên, vừa lao đến chỗ Người.
Dường như Fidel đã nhận ra chúng tôi. Với phong thái chân tình, cởi mở, Người đã cười rất tươi, khuôn mặt rạng rỡ sẵn lòng để đón nhận một điều gì đó đang đến từ mấy cô gái Việt Nam nhỏ nhắn, trẻ trung đầy tự tin kia...
- A, các cháu Việt Nam?
Người đã thốt lên như vậy khi thấy chúng tôi chạy đến chỗ Người, không một chút dè dặt, e ngại gì. Người bắt tay, xoa đầu từng đứa với cử chỉ đầm ấm và thân thiết hệt như người cha ân cần đón những đứa con đã lâu ngày không gặp vậy.
- Các cháu ở đây thấy thế nào? Các cháu có khóc không, có nhớ nhà không? …
Dồn dập, Người hỏi chúng tôi mấy câu liền một lúc. Tất nhiên rồi, chúng tôi trả lời trôi chảy hết, chẳng bỏ sót câu nào cả, cứ ríu ra, ríu rít như đàn chim non đón mẹ về tổ. Thì mới mười tám đôi mươi thôi mà, vẫn còn trẻ con lắm. Sao mà không rối rít lên được chứ!
- Dạ, chúng cháu thấy tốt, tốt lắm ạ! Chúng cháu không khóc đâu, đã quen rồi nên chỉ nhớ nhà một ít thôi ạ.
Dối lòng mình trả lời như vậy để Người vui và an tâm mà thôi chứ sự thật đâu có phải thế. Cánh nữ sinh chúng tôi, ai cũng biết rồi đấy, thường mau nước mắt, dễ khóc dễ tủi thân mà... Ở nhà tuy vất vả, thiếu thốn đủ điều, nhưng là “gái rượu” nên được chiều lắm, chả thiếu gì cả! Nhớ lắm chứ, nhớ đến nao lòng. Khóc nữa chứ, khóc đến nghẹn cổ... khi nghĩ đến gia đình, quê hương, đất nước đang gồng mình chống chọi với bom đạn của Mỹ nhưng đều gạt đi, cùng cố gắng để không phụ lòng Bác Hồ, không phụ lòng Fidel cùng nhân dân hai nước đã dành cho chúng tôi.
- Chúng cháu học Thú y ở trường Đại học Nông nghiệp ạ… Trường chúng cháu ở đây này…
Chúng tôi tiếp tục ríu rít vừa trả lời các câu hỏi của Người vừa chỉ tay về phía Trường Thú y (La Facultad de Medicina Vaterinaria) trước mặt, nơi chúng tôi đang theo học, để khoe với Người
Trường Thú y của chúng tôi nằm trên đường Carlos Tercera. Sáng thì đáp xe 27 hoặc 19 từ Nuevo Vedado đến trường. Chiều thì ngược lại. Học hết cơ bản hai năm, năm thứ ba về Guayabal vừa học vừa đi thực tập cho đến khi tốt nghiệp, về nước. Trường nằm sát mặt đường Carlos Tercera, ngay cái ngã năm, ngã sáu đó nên khi đèn báo hiệu giao thông chuyển màu đỏ là các phương tiện đều phải dừng lại. Lúc đó, đang giữa trưa, Fidel đi qua đấy, xe của Người dừng lại chờ đèn đỏ, thế là chúng tôi được gặp Người. Thế thôi, không cảnh sát, không còi hú dẫn đường, không có cảnh chen xe. Người cứ lặng lẽ hoà vào dòng xe tấp nập trên Đại lộ. Thật sự, chúng tôi không tưởng tượng nổi là mình đã được gặp Fidel trong bối cảnh hi hữu, ấn tượng như thế.
Trường Thú y nằm trên đường Carlos Tercera, Cuba. |
Được dịp, chúng tôi đang tranh thủ giới thiệu với Fidel về Trường thì cách đó ước chừng khoảng 30 mét, một nhóm rất đông sinh viên Cuba đang đứng khép nép, ngại ngùng, trố mắt nhìn chúng tôi thản nhiên cười cười, nói nói rất rôm rả với lãnh tụ của họ. Các sinh viên này, có lẽ cũng rất muốn gặp Fidel để chào nhưng ngại vì đằng sau xe Người là những chiến sỹ cận vệ oai nghiêm. Tuy nhiên, như một giải pháp "té nước theo mưa" khi thấy hai chúng tôi được Fidel vồn vã trò chuyện không bị ngăn cản nên họ cũng ào ra, tranh thủ gặp Người luôn.
Rất từ tốn, một bạn sinh viên Cuba tên là Jose Antonio, lớp trưởng lớp chúng tôi và là Chủ tịch Hội sinh viên (FEU) của trường, đánh bạo tiến tới gần xe, lễ phép chào và mời Người ghé thăm trường. Liếc mắt nhìn đồng hồ, Người nói nhỏ "Còn 30 phút nữa", rồi trả lời luôn: "Được!". Ngay lập tức, Người xuống xe, cùng chúng tôi vào Trường. Như phản ứng tự nhiên, hai đứa tôi vừa bước, vừa chạy cho kịp sải chân của Người... Tận dụng thời cơ có một không hai này, ngay tại hành lang Văn phòng trường, cậu Jose Antonio đã tranh thủ báo cáo và giới thiệu với Fidel tờ báo tường của sinh viên với các bài viết về tinh thần cách mạng, về phong trào thi đua học tập của sinh viên... Fidel chăm chú lắng nghe và gật đầu liên tục... Cứ mỗi lần gật đầu như vậy là một lần hai từ: “Tốt, tốt lắm” (bien, muy bien!) được thốt ra từ miệng Người... Sau ít phút nghe lời giới thiệu, có lẽ Người đã cảm thấy đủ và hài lòng.
- Nào, thế bây giờ các bạn cần gì nào?
Trước nhóm sinh viên trẻ trung đầy nhiệt huyết đang hướng về mình, háo hức muốn nghe một điều gì đó cho thỏa nỗi khát vọng khi được gặp Người. Fidel lướt nhìn chúng tôi, với ánh mắt tràn đầy niềm tin, Người đã bật ngay ra câu hỏi đó. Nghe được câu Người hỏi, cả nhóm sinh viên đứng quanh Người cùng ồ lên, sung sướng vỡ oà như một đám trẻ .
Không một bài diễn thuyết, không một lời răn dạy phải thế này, thế kia... Người chỉ muốn biết sinh viên đang cần gì?
- Thưa Fidel, trường chúng cháu không có nhà căng tin ạ.
Ngay lập tức, như đã được chuẩn bị từ trước, cả đám sinh viên chúng tôi đã cùng đồng thanh hô lên.
- “Tất nhiên rồi, phải có nhà căng tin cho sinh viên chứ". Không cần nghĩ nhiều, Fidel đáp lại ngay lời thỉnh cầu của chúng tôi. Trúng tim rồi, chắc chắn đề xuất này của chúng tôi sẽ được xem xét vì cùng lúc đó, tôi đã kịp liếc sang nhóm thư ký của Người, họ đang ghi chép rất nhanh.
- Tốt lắm. Các bạn phải học tập thật tốt đấy nhé. Thôi, bây giờ thì tôi phải đi đây.
- “Vâng ạ". Một lần nữa, cả nhóm sinh viên cùng hô lên rồi lũ lượt tiễn Người ra xe.
Thế đấy, một cuộc gặp gỡ thật ngắn ngủi, giản đơn mà nồng ấm, không lễ nghi mà trân trọng, không rườm rà mà xúc tích, không mầu mè mà sáng trong... Người chỉ cần biết mình, với cương vị một lãnh đạo tối cao sẽ làm gì cho đất nước nói chung, cho sinh viên, thế hệ tương lai của đất nước này nói riêng chỉ từ một điều tưởng như rất nhỏ: Sinh viên cần có nhà căng tin.
"Nhân bảo như thần bảo", đúng một tuần sau Trường Thú y đã có ngay căng tin cho sinh viên. Kể từ đó, cũng kẹp bánh mỳ, cũng hotdog và sữa chua như thường lệ, nhưng sinh viên Thú y chúng tôi không còn phải đi đâu xa nữa vì đã có nhà căng tin ở ngay trường này. Về sau, mỗi lần tới đây, hình ảnh Fidel cứ hiện ra rõ mồn một, cứ trào dâng trong tôi…
Sau này, tôi có dịp được gặp Fidel một lần nữa tại trường ở Guayabal, khi Người về thăm và nói chuyện với toàn trường về dự án xây dựng trường Nông Nghiệp tại đây. Chuyện gặp Người ở Guayabal cũng có nhiều kỉ niệm đáng nhớ, nhưng cuộc gặp ở giao lộ lần đó quả thật đặc biệt đối với tôi.
Phương Song Liên, Trường Thú Y, ĐH La Habana, Khoá 1967